Ca Covid-19 ở Hà Nội bất ngờ tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải thở oxy có đáng lo ngại?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 12/04/2023 10:16 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca Covid-19 trên cả nước đang gia tăng trong những ngày gần đây. Trong đó, Hà Nội là địa phương đứng đầu về số ca mắc mới, nhiều bệnh nhân phải thở oxy.
Bình luận 0

Gia tăng ca mắc Covid-19 tại Hà Nội

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4 đến nay, số ca Covid-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca Covid-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây. Số ca Covid-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là Hà Nội. 

Ca Covid-19 ở Hà Nội bất ngờ tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải thở oxy có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Thống kê cho thấy số ca mắc Covid-19 trong cả nước những ngày gần đây liên tục gia tăng. Ảnh: Bộ Y tế

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca Covid-19 tăng so với tuần trước. Ngày 8 và 10/4, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 100 ca Covid-19 mới.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày vừa qua, số bệnh nhân Covid-19 vào viện gia tăng mạnh. Cụ thể, theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó đơn nguyên Truyền nhiễm, trong thời gian tháng 3 bệnh viện ghi nhận 25 bệnh nhân. Tuy nhiên trong 10 ngày đầu tháng 4, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.

Vấn đề đáng lo ngại hơn là số bệnh nhân nội trú đang tăng lên. Trong tháng trước, chỉ có 1-2 bệnh nhân phải nhập viện, nhưng hiện tại đã có khoảng 10 bệnh nhân điều trị nội trú. Đa số những bệnh nhân này đều phải hỗ trợ thở oxy, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và có bệnh nền.

Ca Covid-19 ở Hà Nội bất ngờ tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải thở oxy có đáng lo ngại? - Ảnh 2.

Bệnh nhân đìều trị Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bác sĩ Hưng, riêng trong ngày 11/4, đơn vị tiếp nhận 10 bệnh nhân. Trong số này có cụ bà 102 tuổi. Một số ca, sau khi thăm khám chúng tôi xác định có triệu chứng nhẹ đã được cho về nhà. Với các trường hợp có triệu chứng nặng như suy hô hấp, có yếu tố nguy cơ sẽ được theo dõi tại viện.

"So với đợt trước, bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch, nhưng số bệnh nhân nhập viện tương đối nặng, đa phần các bệnh nhân đều phải thở oxy. Có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại. Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch tăng lên", bác sĩ Hưng nhận định về nguyên nhân bệnh nhân Covid-19 gia tăng đột biến thời gian gần đây.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 11/4 đang điều trị cho 74 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy kính.

Theo ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca Covid-19 thời gian gần đây có gia tăng. Bệnh nhân có các triệu chứng ban đầu ho sốt, mệt mỏi,…chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh.

Ca Covid-19 ở Hà Nội bất ngờ tăng trở lại, nhiều bệnh nhân phải thở oxy có đáng lo ngại? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân đìều trị Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Các chuyên gia nhận định số ca Covid-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên khiến bệnh lây lan. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng còn thấp cũng khiến ca Covid-19 mắc nhập viện gia tăng.

Người dân nên chú ý gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một sự kiện y tế công cộng sang bệnh lưu hành.

"Chúng ta cần phải tính toán khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì các hoạt động phòng chống dịch sẽ tiếp tục như thế nào. Đồng thời vẫn phải giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ. Dù Covid-19 có trở thành bệnh lưu hành giống như cúm mùa thì vẫn phải tiêm vaccine vì vẫn có nhiều người tử vong", ông Phu thông tin.

Theo ông Phu, nếu không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, kháng lại các vaccine đang sử dụng, Việt Nam quản lý được số mắc một cách ổn định, hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng, tử vong không nhiều thì dần dần sẽ gọi là kiểm soát ổn định.

"Chúng ta cần phối hợp tốt với WHO theo dõi tình hình dịch, giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ. Người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn thường xuyên... 

Chúng ta không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền. Tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Phu khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem