"Buồn vì ở nhiều nơi, nông dân bỏ đi khỏi đồng ruộng, nương rẫy"

Minh Huệ Thứ tư, ngày 06/11/2019 10:51 AM (GMT+7)
Sáng nay (6/11), phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV "nóng" lên với nhiều câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, trong đó có tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều vì sản xuất không hiệu quả.
Bình luận 0

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những kết quả toàn diện, bứt phá, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại cuộc họp tổng kết 10 năm xây dựng NTM ở Nam Định, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: Chương trình xây dựng NTM đã đem đến một kết quả lịch sử, các thiết chế hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội được nâng cao chỉ trong 9 năm, với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng. Trong thời gian rất ngắn, 100% số xã có điện lưới...

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, đúng là có những mặt khác còn tồn tại. Trong đó đời sống, thu nhập của nông dân đã tăng 2,5 lần so với trước khi triển khai chương trình NTM, nhưng so với yêu cầu, nguyện vọng của chúng ta thì con số này vẫn chưa đạt được. 

Sản xuất theo chuỗi ở nông thôn đã được quan tâm nhưng chưa định hình rõ ràng, chưa phổ biến. Tôi cũng rất chia sẻ là hiện nay, ở nhiều nơi, trong đó có Thái Bình chẳng hạn, người dân bỏ ruộng rất nhiều, không mặn mà với ruộng đất.

Đây là một thực trạng mà tới đây chúng ta phải tháo gỡ những nút thắt về tích tụ ruộng đất, xem tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện như thế nào, sử dụng ruộng đất ra sao, đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng hiệu quả thế nào, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân sản xuất hiệu quả. 

"Tới đây, chuẩn bị cho tổng kết ngành, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị các giải pháp, tham mưu để tới giai đoạn 2021 - 2025 định dạng cho rõ, tập trung sự chỉ đạo, nhóm giải pháp để giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, đó là thúc đẩy sản xuất, văn hoá xã hội, vấn đề môi trường, tổ chức sản xuất lớn", ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định. 

Tiếp đó, sau giờ nghỉ giải lao, khi trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là câu chuyện chúng ta rất quan tâm từ lâu, nhưng khắc phục không đơn giản một sớm một chiều, vì chúng ta có tới 8,7 triệu hộ sản xuất nhưng có tới hơn 7 triệu mảnh ruộng. 

"Vừa rồi chúng tôi rất hoan nghênh tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện dồn điền đổi thửa tốt, nhưng đó cũng mới chỉ là một phần. Bởi vì thực tế chỉ là mỗi hộ có 3 sào đất thì dồn lại thành 1 miếng 1.000m2, chứ không phải dồn đổi được thành 1ha đất", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ rõ.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới đi đôi với chính sách chung, để giải quyết vấn đề này chúng ta phải có những sửa đổi về chính sách đất đai. Bộ NN&PTNT cũng đã cùng Bộ Tài nguyên môi trường và cùng các bộ ngành liên quan sẽ tập trung chỗ này cố gắng làm sao giảm được những hộ sản xuất nhỏ lẻ, tập trung sản xuất lớn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giảm dần lao động nông nghiệp, có như vậy hộ nhỏ lẻ mới nhanh hết được. 

img

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đăk Lắk) tranh luận lại: Ý tôi muốn nói rằng, việc người nông dân bỏ đi khỏi đồng ruộng, nương rẫy của mình chứng tỏ sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, người nông dân chưa được nâng đỡ về mặt đời sống, như vậy chương trình xây dựng NTM có thực sự đạt hiệu quả hay không? 

"Tôi muốn nói ý này! Giá cà phê, giá tiêu, rồi giá các loại nông sản khác thấp ra sao chúng tôi và cử tri đều biết hết, nhưng chúng tôi muốn hỏi giải pháp của Bộ trưởng, của Chính phủ ra sao? Chúng tôi mong muốn Chính phủ, rồi Bộ NN&PTNT phản ứng với tình trạng giá cà phê, giá tiêu như đối với dịch tả lợn châu Phi và có những hỗ trợ, chia sẻ với nông dân thì mới thoả đáng", đại biểu tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm rõ thêm: Ý đại biểu Hữu cho rằng tiêu, cà phê là những mặt hàng đóng góp kim ngạch cho xuất khẩu nông sản rất lớn, nhưng đời sống những người trồng cà phê tiêu thì đang rất khó khăn, người ta phải bỏ vườn, bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống, thế thì giải pháp căn cơ như thế nào? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem