Một số bộ phận giới trẻ lạm dụng việc "chữa lành" để trốn tránh áp lực, lười lao động

Khánh Yến Thứ tư, ngày 24/04/2024 09:15 AM (GMT+7)
"Không phải vấn đề nào cũng cần chữa lành, bởi nếu không xuất phát từ những vấn đề tâm lý thực sự nghiêm trọng, thì việc liên tục tìm đến chữa lành của người trẻ sẽ kìm hãm sự phát triển của chính họ. Việc đối diện áp lực, tự cân bằng tinh thần, yêu cầu người trẻ cần có sự nỗ lực rèn luyện bản thân".
Bình luận 0

"Healing" (tạm dịch là chữa lành) là một khái niệm đã xuất phát từ nhiều thế kỷ, có sự hiện diện trong hệ thống tôn giáo và triết học ở cả phương Đông và Phương Tây từ lâu đời. Đúng như tên gọi, "healing" nói tới sự hàn gắn, xoa dịu những vết thương tinh thần, giúp con người hồi phục và mạnh mẽ hơn trên chặng đường phía trước.

Sau nhiều mất mát và khó khăn giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ, chữa lành trở thành cụm từ bùng nổ trên internet. Theo thống kê xu hướng tìm kiếm của Google năm 2021, "how to heal" (làm sao để chữa lành) là câu hỏi được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam, hàng loạt hội, nhóm liên quan đến chữa lành cũng ra đời: "chữa lành tự nhiên", "chữa lành miễn phí cho cộng đồng", "cộng đồng chữa lành bằng tâm thức", "du lịch chữa lành"…, thu hút hàng trăm ngàn thành viên tham dự. Hiện tại, hashtag #chualanh có tới 194.000 bài viết với 2 tỷ lượt xem trên TikTok, tính ra trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1800 bài viết liên quan đến cụm từ này.

Một số bộ phận giới trẻ lạm dụng việc "chữa lành" để trốn tránh áp lực, lười lao động - Ảnh 1.

Sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều người tham gia các dịch vụ liên quan tới chữa lành. (Ảnh: Good won Healing Center)

Bùng nổ dịch vụ chữa lành

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia truyền thông Nguyễn Tuyết Nhung nhận định: "Việc từ khóa 'chữa lành' tăng vọt trên thanh tìm kiếm của Google đã khiến những người làm kinh doanh nhanh chóng sử dụng cụm từ này để bán hàng hiệu quả. Từ lâu, các nhà đầu tư đã tập trung khai thác, sáng tạo những sản phẩm theo xu hướng bởi đó đều là những mặt hàng đang có nhu cầu cao, thịnh hành vào một thời điểm, được người tiêu dùng quan tâm, đón nhận. Nhờ vậy, họ dễ dàng bán sản phẩm với giá cao hơn bình thường và có lợi nhuận tốt".

Bởi nguyên nhân trên, hàng loạt chuyên gia chữa lành đã ra đời tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, với những chia sẻ dưới dạng video, bài viết trên internet. Dịch vụ liên quan tới chữa lành có mặt tại khắp mọi miền với nhiều hình thức khác nhau: thiền định, du lịch, âm nhạc, phim ảnh, sách, các podcast, workshop… Bên cạnh các hội nhóm miễn phí, ở không ít trường hợp, người sử dụng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tham gia các hoạt động này.

Chị Lê Hương (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) từng là một học viên tham gia khóa học chữa lành bao gồm 10 buổi, với chi phí 16 triệu đồng. "Thời điểm đó, tôi vừa bước ra khỏi hôn nhân, công việc cũng có nhiều biến đổi. Cũng vì vậy, tôi quyết định tham gia khóa học của một huấn luyện viên được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội. Sau khi đăng ký tham gia khóa học, tôi được nhân viên của trung tâm ghi lại những thông tin cá nhân cơ bản, giới thiệu các gói chữa lành với giá cả khác nhau, tuỳ thuộc vào thời gian và tần suất tham gia. Tuy nhiên, ngay những buổi học đầu tiên, tôi đã nhận thấy huấn luyện viên này liên tiếp phủ nhận sự quan trọng của tình yêu, cảm xúc, khuyên mọi người chỉ nên yêu bản thân, tập trung cho sự nghiệp. Do thấy những thông tin đó chung chung, thiếu cụ thể, không giúp ích cho cuộc sống, tôi đã rời khỏi nhóm và sau đó tự chữa lành cho chính mình, không nhờ tới bất kỳ ai cả". 

Một số bộ phận giới trẻ lạm dụng việc "chữa lành" để trốn tránh áp lực, lười lao động - Ảnh 2.

Hình ảnh quảng bá một khóa du lịch chữa lành. (Ảnh: TL)

Lâm Minh Châu (26 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thừa nhận cô hối hận sau khi tham gia các chuyến du lịch chữa lành liên tiếp sau khi chia tay cuộc tình 5 năm. "Vào thời điểm đó, khi đọc những thông tin lặp đi lặp lại trên mạng xã hội về những chuyến đi chữa lành, mình cho chúng là cần thiết. Tuy nhiên, vì chìm trong cảm giác này, tiếp theo mình bị "rỗng túi" trầm trọng. Sau những chuyến đi, thậm chí mình mất phương hướng một thời gian, phải nỗ lực nhiều để quay lại với công việc. Để rồi, mình nhận ra nên tập trung vào việc vận động, trau dồi bản thân thay vì đi du lịch quá nhiều như vậy" – Minh Châu tâm sự.

Không ít người gặp tổn thương tinh thần hoặc khủng hoảng kinh tế cũng rơi vào các dịch vụ chữa lành theo kiểu tâm linh. Ở đó, họ được khuyên xem tử vi, các cung hoàng đạo, tarot, "thỉnh" linh phù, "thỉnh" vòng tay để cải tạo vận mệnh. Số tiền cho mỗi dịch vụ này thường từ 500.000 đồng lên tới vài triệu đồng.

Sự kết hợp "hổ lốn" của những dịch vụ chữa lành

Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội nhận định: "Nhu cầu chữa lành là có thật, xuất phát trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi con người dần trở nên căng thẳng quá mức. Những kỹ năng ứng phó, giải quyết khủng hoảng tâm lý không còn đủ đáp ứng để con người tự cân bằng chính mình. Cũng bởi vậy, nhiều người cảm thấy cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía bên ngoài. 

Nắm bắt thực trạng đó, nhiều khóa học về chữa lành đã nổi lên. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu xã hội, đây cũng chính là mô hình kinh doanh của những người của những người tự nhận mình là coach (huấn luyện viên), diễn giả, nhà khai vấn... Chúng ta cũng cần hiểu rằng, người gặp vấn đề thường ngại tìm tới những dịch vụ chuyên nghiệp do tại Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến về sức khỏe tâm thần. Thêm nữa, số lượng những dịch vụ chuyên nghiệp tại Việt Nam không nhiều, ngay cả bác sĩ tâm thần cũng chưa tới 1 bác sĩ/100.000 dân".

Một số bộ phận giới trẻ lạm dụng việc "chữa lành" để trốn tránh áp lực, lười lao động - Ảnh 3.

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Ông Trần Thành Nam cho rằng, những khóa học chữa lành này đa phần cũng giống việc đọc sách self-help (sách dạy cách tự cải thiện/tự phát triển), mang tính trải nghiệm cá nhân, chưa chứng minh hiệu quả bằng công trình nghiên cứu khoa học. "Các nội dung kiểu này đôi khi chỉ là câu văn, mệnh đề, tình huống nào đó tạo động lực... Chúng ta lại sống ở kỷ nguyên tri thức và kết nối không gian số, không ít người đọc một vài cuốn sách, xem qua một số video trên TikTok, YouTube đã tự phong cho mình là chuyên gia. Để chữa lành đúng nghĩa cần trải qua một số chương trình đào tạo chính quy, kiểm định chất lượng bởi những kiểm định nhà nghề. Việc anh chữa cho cộng đồng phải dựa trên nền tảng lý thuyết, được chứng minh một cách có hiệu quả bởi một quy trình nào đó mang tính chất khoa học. Cũng cần có cơ quan, tổ chức công nhận về vị trí, chuyên môn của người làm nghề chữa lành. Ví dụ ở các quốc gia khác, họ có giấy phép làm nghề cho những người làm dịch vụ về tâm lý học".

Chuyên gia Trần Thành Nam bày tỏ sự lo ngại khi thị trường loạn các dịch vụ chữa lành, thể hiện sự kết hợp hổ lốn của các kiến thức chắp vá, ví dụ như tâm linh, năng lượng trường sinh, chuyển hóa, vận động... "Có rất nhiều mỹ từ mang tính chất giật gân, gây chú ý của người khác được chia sẻ, đánh vào mục tiêu bán hàng. Không ít khóa học đẩy giá lên cao vút rồi giảm giá để hút khách, hiện chưa có một đánh giá nào về hiệu quả của những khóa học này" - ông nhận định.

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia Tâm lý - Giáo dục, người từng có nhiều nghiên cứu về phụ nữ, thanh niên thì cho rằng một số bộ phận giới trẻ đang lạm dụng việc chữa lành để trốn tránh áp lực, xuất phát từ tâm lý lười lao động, thích hưởng thụ, ngại đối diện khó khăn. "Không phải vấn đề nào cũng cần chữa lành, bởi nếu không xuất phát từ những vấn đề tâm lý thực sự nghiêm trọng, thì việc liên tục tìm đến chữa lành của người trẻ sẽ kìm hãm sự phát triển của chính họ. Việc đối diện áp lực, tự cân bằng tinh thần, rèn luyện năng lực vượt khó yêu cầu người trẻ cần có sự quyết tâm và nỗ lực rèn luyện bản thân. Hành trình này sẽ giúp họ trưởng thành thực sự. Những người có một nội lực tinh thần mạnh mẽ không phải vì họ không có tổn thương mà vì họ biết cách vượt lên những tổn thương để trở nên vững vàng. Nếu cứ hơi khó khăn một chút, hơi gặp vấn đề một chút lại tìm đến chữa lành, thì tôi e rằng, giới trẻ không hề khỏe mạnh hơn về tinh thần, mà ngược lại, sẽ trở nên mong manh, yếu đuối".

Bà Giang cũng cho rằng, vấn đề tinh thần trong những thập niên gần đây đã và đang được quan tâm nhiều hơn, đó là tín hiệu đáng mừng. Nhiều người thực sự gặp khó khăn do ảnh hưởng của những tổn thương nặng nề về tâm lý đã có thể tìm đến những phương pháp chữa lành, nhận được sự hỗ trợ tự người có chuyên môn. Tuy nhiên, lạm dụng chữa lành như một trào lưu để trốn tránh thực tại khó khăn như một bộ phận của giới trẻ hiện nay là không nên. Đất nước sẽ không thể có một thế hệ trẻ đủ mạnh mẽ và trưởng thành, nếu cứ tiếp tục đeo bám trào lưu này.

Một số bộ phận giới trẻ lạm dụng việc "chữa lành" để trốn tránh áp lực, lười lao động - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. (Ảnh: FBNV)

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, chữa lành không phải là một phương pháp chữa bệnh, đây chỉ là một dịch vụ mang tính chất tư vấn. "Các dịch vụ chữa lành hiện nở rộ và khá đắt đỏ, tuy nhiên hiện chưa có hình thức quản lý, giám sát những hoạt động này. Theo tôi, các trung tâm chữa lành cần đăng ký với các cơ quan hữu quan, trong đó cần cụ thể tài liệu có những gì, thời gian chữa lành bao lâu, chi phí như thế nào. Nội dung các lớp các lớp "chữa lành" tự mở cũng cần kiểm tra để xem chúng có liên quan tới hình thức tâm linh độc hại hoặc quảng cáo trá hình".

"Nhiều đối tượng khác nhau cần được chữa lành, người đổ vỡ trong hôn nhân, người suy sụp tinh thần bởi kinh tế. Không thể có một khóa chữa lành chung cho tất cả mọi người. Cần xem xét kỹ lưỡng, nếu phương pháp chữa lành mang tính tích cực thì phải đưa vào quản lý, còn nếu mang lại những tác động tiêu cực như khiến người dân mê muội, suy nghĩ sai lệch, tiêu cực thì cần phải loại bỏ" - ông Nguyễn Huy Quang nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem