BOT Cai Lậy: Giới tài xế lựa chọn phương án nào?

Hữu Ký Thứ tư, ngày 06/12/2017 13:56 PM (GMT+7)
Bộ GTVT đưa ra 3 phương án để giải quyết vụ BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, các tài xế cùng nhiều người dân cho biết chỉ có 1 phương án khả thi, đồng thời cho rằng nhà đầu tư cần phải sòng phẳng trong việc thu phí.
Bình luận 0

Liên quan đến vấn đề trạm BOT Cai Lậy, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin Bộ đưa ra 3 kịch bản để tính toán.

Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ, giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn... Còn phương án thứ 2: Di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, Bộ GTVT cho rằng cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên phương án này được đánh giá là khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, ngoài ra việc này phải có sự đồng ý của ngân hàng bởi có thể biến khoản vay cho BOT trở thành nợ xấu ngân hàng.

Phương án thứ 3 Bộ GTVT đưa ra là đặt 2 trạm thu phí: Một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Bên cạnh đó, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

img

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1.

Trước thông tin từ Bộ GTVT, nhiều tài xế cho rằng cho rằng phương án di dời trạm thu phí vào tuyến tránh (phương án 2) là khả thi nhất. “Phương án 1 không khả thi đâu. Những ngày qua tình hình thế nào thì mọi người đã thấy rồi. Phương án 3 sai lại thêm sai, cái phí đường bộ đã có mà đặt trạm ai chịu, lại bảo thủ mở trạm để ép dân đi đường tránh. Phương án 2 là khả thi nhất nhưng nếu nói phương án này là không khả thi, phá vỡ phương án tài chính gì đó là do nhà đầu tư thôi. Họ kinh doanh mà tính toán sai thì phải chịu chứ bắt Nhà nước chịu, dân chịu sao được”, anh Minh - một tài xế xe đường dài TP.HCM - Hà Tiên nói.

Tài xế Nguyễn Hoàng Nam (ngụ Đồng Nai) phân tích, ngay từ khi trạm BOT Cai Lậy thu phí các tài xế đã thấy điều bất hợp lý vì đặt trạm sai, nếu vẫn tiếp tục giữ lại trạm này thì các tài xế tất nhiên sẽ còn đấu tranh, phản đối. Còn với phương án 3, các tài xế cũng không đồng ý bởi nếu đặt hai trạm thu phí thì trạm ở trên quốc lộ 1 thu phí mục đích gì? Nếu đặt trạm trên quốc lộ 1 để thu phí nâng cấp đoạn đi qua đi qua Cai Lậy là không đúng bởi hàng năm các tài xế đều đã đóng phí bảo trì đường.

Theo tài xế Nam, từ trước đến nay cánh tài xế phản đối và chỉ đưa ra yêu cầu duy nhất đó là di dời trạm vào đường tránh. Còn các phương án khác Bộ đưa ra đều không hợp lý.

img

Tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy.

Nhiều tài xế cho rằng nhà đầu tư cần phải sòng phẳng trong việc thu phí, đó là làm ở đâu thì thu ở đó để tránh việc bị các tài xế tiếp tục phản ứng. Còn Bộ GTVT cũng cần phải minh bạch trong việc thu phí, tránh tình trạng thu phí sai, phí chồng phí.

“Đồng ý là doanh nghiệp làm ăn thì phải thu lợi nhuận nhưng doanh nghiệp cũng cần phải sòng phẳng. Anh làm đường tránh Cai Lậy tài xế đi qua đó thì trả tiền, không qua không trả. Còn việc nhà đầu tư nâng cấp sửa chữa Quốc lộ 1 thì khoản tiền anh em tài xế hàng năm đều đã đóng vào Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng khoản tiền chúng tôi đóng được sử dụng như thế nào thì vẫn chưa được minh bạch”, tài xế Quân Trường (TP.HCM) nêu.

Trong khi đó, nhiều người dân sống trong khu vực trạm thu phí Cai Lậy cho biết ủng hộ phương án di dời trạm thu phí vào đường tránh. Thời gian qua giới tài xế phản đối trạm thu phí gây ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh của họ nhưng người dân vẫn thông cảm bởi trạm thu phí đặt sai vị trí. Sau khi có thông tin các phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy, nhiều người cho biết họ ủng hộ cách dời trạm vào đường tránh.

“Đặt trạm tại đây chúng tôi buôn bán nước, lạp xưởng được nhưng đó là lợi ích của cá nhân, còn lợi ích nhiều người khác bị ảnh hưởng. Nếu dời trạm vào trong đường tránh có thể sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán nhưng tôi vẫn chịu vì đặt vào đó là đặt đúng”, bà Thoa có nhà gần trạm BOT Cai Lậy chia sẻ.

Trước đó, trong thông cáo báo chí ngày 1.12, Bộ GTVT nêu, về vị trí đặt trạm thu giá (trạm BOT Cai Lậy) Bộ GTVT đã nghiên cứu các phương án đầu tư tăng cường mặt đường nếu cần thiết, đồng thời nghiên cứu thêm phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, so sánh lựa chọn vị trí đặt trạm thu giá trên tuyến tránh và trên Quốc lộ 1 hiện tại.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe có kinh phí đầu tư quá lớn, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tốc độ khai thác nhỏ hơn 60km/h do đi qua đô thị.

Với phương án này, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn phải mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn. Trong khi đó, nếu đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu thì tốc độ khai thác tuyến tránh cho phép đến 80km/h. Như vậy, chỉ còn phương án đầu tư riêng tuyến tránh, đặt trạm trên tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường, đặt trạm trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Bộ GTVT cho hay đã lấy ý kiến HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Bộ  cũng đã phân tích, so sánh phương án đặt trạm thu giá trên quốc lộ 1 hiện hữu với phương án đặt trạm trên tuyến tránh, cụ thể:

Phương án trạm thu giá đặt trên quốc lộ 1: Phạm vi dự án bao gồm xây dựng tuyến tránh và đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường, cầu, hệ thống thoát nước trên quốc lộ 1. Với phương án này, sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án; mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu được cải tạo, tăng cường; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh.

Phương án trạm thu giá đặt trên tuyến tránh: Phạm vi dự án chỉ đầu tư xây dựng tuyến tránh. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu giá phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh (không thu giá các phương tiện đi vào nội thị thị trấn Cai Lậy) nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua thị trấn Cai Lậy trên quốc lộ 1 hiện hữu do các phương tiện sẽ tránh trạm thu giá bằng việc không sử dụng tuyến tránh. Trong điều kiện mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu không được cải tạo, tăng cường sẽ gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, không đảm bảo hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính dự án rất thấp, không thu hút được nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem