Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi lấy nước đổ ải cùng nông dân

Ngọc Lê Thứ năm, ngày 01/02/2018 17:34 PM (GMT+7)
Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra tình hình lấy nước đổ ải, làm đất, gieo mạ phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2017 -2018 tại hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Tại đây, Bộ trưởng đã xuống đồng để cùng lấy nước đổ ải với nông dân...
Bình luận 0

Chỉ còn 4 ngày nữa là kết thúc lấy nước đổ ải đợt 2 (bắt đầu từ ngày 28/1 đến 4/2). Để tạo thuận lợi lấy nước cho các địa phương khu vực Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ, các nhà máy thủy điện đã xả từ ngày 24/1, sớm hơn thời gian lấy nước 4 ngày (các năm trước chỉ xả trước từ 2-2,5 ngày). Ba nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang phát điện hết công suất với lưu lượng nước khoảng 3.000 m3/s để các địa phương lấy nước đổ ải.

img

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nắm tình hình phòng, chống rét cho mạ tại xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con nông dân xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) đã ra đồng tháo bỏ ni lông che mạ và tiến hành chăm sóc để phục vụ gieo cấy trà sớm. Tính đến thời điểm này, huyện Thanh Miện đã đổ ải được 97% diện tích và đang tích cực làm đất. Trực tiếp ra ruộng kiểm tra mạ cùng nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc chủ động lấy nước, làm đất và gieo mạ của bà con. Đặc biệt, với diện tích gieo mạ sân, bà con nông dân đã sáng tạo trải lót sân bằng bao bì xi măng, khi đến khung thời vụ chỉ cần cuộn lại và đem ra đồng gieo cấy rất thuận tiện.

img

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình lấy nước, cày bừa làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2018 tại tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, với 7 huyện lấy nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải đến nay đã lấy được 70%; còn lại 5 huyện lấy nước vùng triều đạt 45% - vùng này chủ yếu là vùng màu nên đang chờ bà con thu hoạch để lấy nước. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tích cực lấy nước đổ ải và sẽ hoàn thành trước Tết Âm lịch. Về khung thời vụ gieo cấy, ông Cương cho biết, chỉ chờ lập Xuân (4/2) và thời tiết ấm là sẽ chỉ đạo gieo cấy trà sớm (khoảng 10% diện tích). Đối với 90% gieo trà muộn, tỉnh chỉ đạo cấy sau Tết Âm lịch, phấn đấu hoàn thành trước ngày 28/2.

Theo thống kê của các địa phương, diện tích có nước tính đến 15h ngày 01/02 là 410.077ha đạt 67,02%, trong đó:Nam Định 93,69%, Phú Thọ 91,18%, Ninh Bình 88%, Hà Nam 98,13%, Hải Dương 63,64%, Thái Bình 83,47%,Vĩnh Phúc 61,79%,Bắc Ninh 50,22%, Hà Nội 44,54%, Hưng Yên 63,39%. “Tuy gặp một số khó khăn về nguồn nước nhưng các diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2017-2018 ở khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ sẽ được đảm bảo cấp đủ nước phục vụ làm đấy” – ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định.

img

Hôm nay, 1.2, trời hửng nắng, nông dân xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện kéo ni lông phủ luống mạ ra để cây mạ phát triển tốt, chuẩn bị cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2018.

Theo Bộ trưởng, năm nay đất không được ải nên khi lấy nước các địa phương cần tập trung bừa ngay để giữ nước. Bên cạnh đó, cần chăm sóc mạ tốt để sau lập Xuân (4/2) và thời tiết trên 150 C thì sẽ gieo cấy. “Vụ Đông Xuân năm nay chúng ta gieo cấy tốt nhất từ lập Xuân và kết thúc trước tháng 2/2018, trong đó gieo cấy đến khoảng 25/2 kết thúc là tối ưu nhất” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Tuy nhiên, khung thời vụ này rơi đúng vào đợt nghỉ Tết âm lịch Mậu Tuất 2018, chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương động viên bà con nông dân tranh thủ thời tiết sau tiết lập Xuân và thời tiết trên 150 C thì tập trung tổ chức cấy lúa Đông Xuân. “Chúng ta vừa ăn Tết, vừa cấy lúa Xuân để đảm bảo mục tiêu sản xuất là trên hết” – Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem