Bộ trưởng mách kế cho Tây Ninh làm nông nghiệp công nghệ cao

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 03/05/2017 19:00 PM (GMT+7)
"Việc động thổ nhà máy Tanifood ở Tây Ninh có một ý nghĩa to lớn nhưng có nhà máy tốt phải có vùng nguyên liệu tốt, không thể lõm bõm mỗi chỗ một cây".
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NPNTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị với lãnh đạo cùng toàn thể nhân dân Tây Ninh như vậy nhằm phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững tại lễ khởi không nhà máy Tanifood ngày 2.5.

Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood là kết quả xúc tiến của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh từ đầu năm 2017.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ về khát vọng làm nông nghiệp công nghệ cao của Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Cường đánh giá Tây Ninh có tiềm năng rất lớn đất nông nghiệp trên 400.000ha, địa hình bằng phẳng, giao thông và thủy lợi rất thuận lợi, có thị trường rộng lớn và đặc biệt có những con người khao khát làm giàu.

Muốn phát triển bền vững phải có những chương trình hành động cụ thể. Và nhà máy Tanifood là một làm việc cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu kinh tế với 3 mệnh đề rất tâm đắc: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập, định hướng thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh

Bộ trưởng đánh giá đây là hướng đi đúng, rất tích cực, đánh dấu một bước ngoặc lớn đánh dấu sự chuyển dịch nhưng con đường phía trước còn nhiều gian truân. “Có nhà máy tốt phải có vùng nguyên liệu tốt, không thể lõm bõm mỗi chỗ một cây. Tây Ninh không cần nhiều, chỉ cần chọn một số cây chủ lực. Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

img

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết Tanifood sẽ thu mua gần như toàn bộ sản phẩm được bà con nông dân trồng và thu hoạch.

Ví dụ như trái xoài, trái lớn thì bán tươi được giá cao, trái vừa thì đông lạnh để xuất khẩu, trái nhỏ thì sấy khô, sấy dẻo, trái nhỏ nữa thì cô đặc, ép nước uống đóng chai đi xuất khẩu. Sản phẩm của nông dân gần như sẽ được thu mua toàn bộ; giảm thiểu hao hụt sau khi thu hoạch và gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị gieo trồng.

“Đây là mục đích cũng là tiêu chí hàng đầu để tiếp bước UBND Tây Ninh theo đuổi khi triển khai mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hướng đến thị trường quốc tế”, ông Tân chia sẻ.

img

Nông dân Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Về định hướng tương lai, ông Tân cho biết thêm: Khi nhà máy được đầu tư bài bản, quy mô lớn thì các khâu còn lại của chuỗi giá trị như chợ đầu mối, viện giống, phân bón, trung tâm hỗ trợ nông dân, kho vận, hạ tầng sẽ được các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện trên toàn chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

img

Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ nông phẩm giữa nhà máy và nông dân tham gia chuỗi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện nhà máy đang phối hợp cùng nông dân triển khai các vùng trồng nguyên liệu xoài, khóm và chanh dây. Ông Nguyễn Văn Sáu, đại diện nông dân tỉnh Tây Ninh tham gia chuỗi liên kết cho biết đã xuống giống 1,3ha giống cây khóm, vẫn đang phát triển tốt đồng thời đề nghị chính quyền cần hỗ trợ nhiều hơn để giúp nông dân tiêu thụ nông phẩm.

Chương trình động thổ khởi công nhà máy đã kết thúc bằng lễ ký kết hợp tác tiêu thụ giữa đại diện Tanifood với nông dân và các đối tác trong, ngoài nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem