Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị "Diên Hồng" bàn về Đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL

Bình Minh Thứ sáu, ngày 24/11/2023 18:34 PM (GMT+7)
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến 2030 giúp nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.
Bình luận 0

Chiều 24/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Tọa đàm về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì tọa đàm; tham dự còn có đại diện các Đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Mở đầu câu chuyện về Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh, giảm phát thải, ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt dẫn câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa "Hạt gạo làng ta/có nắng tháng bảy, có mưa tháng ba..." để nói hết về ý nghĩa của hạt gạo Việt. Ông Nguyễn Như Cường cho biết, hạt gạo Việt đã có mặt trên thế giới từ cách đây 35 năm, giờ từ những hạt gạo loại dài có mặt ở các nước châu Phi cho đến hạt gạo thơm, gạo dẻo trên các quầy, kệ siêu thị ở châu Âu, ở Mỹ, ở Nhật. Hạt gạo giờ đã trở thành biểu tượng về "sức mạnh mềm" trong sứ mệnh chung tay bảo đảm an ninh lương thực với thế giới.

Chính vì thế, việc xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh, giảm phát thải là một minh chứng, cam kết của Việt Nam về sứ mệnh đó và xa hơn còn là câu chuyện về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu. "Buổi gặp mặt hôm nay với sự có mặt của các Đại biểu Quốc hội ở các địa phương đóng góp lớn nhất cho sản lượng lương thực được coi như một hội nghị Diên Hồng của ngành lúa gạo"- ông Cường chia sẻ.

Được phân công trình bày Đề án TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, mục tiêu của Đề án hướng đến hệ thống lại tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị "diên hồng" về 1 triệu ha lúa gạo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (ngoài cùng bên trái) trao đổi, chia sẻ với đại diện của WB, IRRI, SNV và Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Bình Minh

Địa bàn triển khai Đề án tại 12 tỉnh ĐBSCL (trừ Bến Tre) với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha đến năm 2030.

Giai đoạn 1 (2024-2025): củng cố 180.000ha của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam; Giai đoạn 2 (2026-2030): mở rộng thêm 820.000ha.

Theo ông Thắng, Đề án giúp nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính (giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính).

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Cao Thăng Bình- đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: "Tiếp nối thành công của Dự án chuyển đổi lúa bền vững tại Việt Nan- VNSAT, WB sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong chương trình xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hiện nông dân Việt Nam đang được hưởng thụ thành quả từ giá gạo lên cao nhưng cũng phải bước vào một cuộc đua mới, cuộc đua về năng suất, chất lượng, cuộc đua về "uy tín", "trách nhiệm xã hội" của hạt gạo với thế giới".

Theo ông Bình, các cường quốc về gạo như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng đang hướng đến ngành lúa gạo phát thải thấp. Nếu dừng lại vài năm sau Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau, bởi tiêu chí ngày càng cao, đòi hỏi về chất lượng, sự cam kết, minh bạch... của các thị trường trên thế giới.

Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị "Diên hồng" bàn về Đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Mô hình trồng lúa hữu cơ ở ĐBSCL.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Đề án đang là mong mỏi của bà con nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL. Theo ông, đây là Đề án có tính đồng bộ nhất từ trước đến nay.

Về phía doanh nghiệp, ông Thuận mong mỏi Đề án có quy chế rõ ràng, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như hỗ trợ chung để định hướng cho bà con nông dân của doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững. 

"Đây là đề án có tính đồng bộ nhất từ đó đến nay, chúng tôi hy vọng rằng toàn bộ 1 triệu ha lúa sẽ có được nền tảng phát triển bền vững. Về phía doanh nghiệp cũng như về phía Tập đoàn Lộc Trời cũng như liên kết với các doanh nghiệp khác, mong đợi có được nền tảng cơ bản này để các doanh nghiệp có cơ sở chung để cùng làm việc với bà con nông dân cùng phát triển", ông Thuận nói.

Khẳng định vai trò của hạt gạo "không chỉ là thực phẩm mà còn là văn hóa, tâm linh", Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nói: "Chúng ta đã chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó, có sản xuất lúa. Vì vậy phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi. Không chỉ là hạt lúa, hạt gạo mà còn hoạt động khác từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác".

Theo Bộ trưởng, nếu như trước đây "quyền lực" trong tay người sản xuất thì dần dần chuyển sang "quyền lực" của người tiêu dùng, định vị lại toàn bộ sản xuất, kinh doanh. Người tiêu dùng không chỉ mua nông sản mà còn mua "cách tạo ra nông sản đó", có trách nhiệm, minh bạch không?.

Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị "Diên hồng" bàn về Đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL - Ảnh 3.

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoa chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Bình Minh

Cũng theo Bộ trưởng, trong Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "tam nông", lần đầu tiên đưa khái niệm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Đối với lúa gạo cũng đa dạng, từ lúa sen, lúa cá, lúa tôm, lúa rươi... bất cứ diện tích nào tuần hoàn được, giảm chi phí như vậy hạt gạo Việt mới có giá trị cao.

Thông qua tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan truyền tải thông điệp "gieo sự thay đổi" từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL để "gặt" được những giá trị của nền nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp, bán tín chỉ carbon - đó mới là đích đến.

"Thực tế chúng ta đã gặp nhiều câu chuyện liên quan đến lúa gạo, giá lên, xuống, nông dân bội tín, bỏ kèo, doanh nghiệp ép giá, bao nhiêu câu chuyện... và để vượt qua, xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì đầu tiên người nông dân sẽ phải thay đổi - là người quyết định, bỏ hạt giống đầu tiên xuống đồng ruộng và thu những trái ngọt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Dự kiến tổng nguồn vốn triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao khoảng 650 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới khoảng 400 triệu USD, tương đương hơn 61%. Đề án sẽ có 5 chương trình, nhiệm vụ cụ thể, bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem