Bỏ nghề báo, gã lang thang mơ về khung trời Tây Tạng giữa Việt Nam

Nam Anh Thứ tư, ngày 06/02/2019 15:00 PM (GMT+7)
Từ một chuyến đi đến vùng đất nóc nhà thế giới, Nguyễn Mạnh Duy từ bỏ công việc ổn định, gác lại cả 10 năm viết báo sung sức để chuyển sang một lĩnh vực mới- “xây” những ngôi nhà văn hoá Tây Tạng giữa lòng những thành phố lớn.
Bình luận 0

img

Nguyễn Mạnh Duy trong chuyến trekking tới Everest Base Camp . (Ảnh: NVCC)

Vùng đất không dành cho người do dự

Giữa lúc hoang mang trước những ngã rẽ cuộc đời ở tuổi 30, Duy quyết định đi Tây Tạng. Duy cũng thừa nhận: “Năm 2013, tôi làm báo được 8 năm và đang có công việc ổn định ở một tờ nhật báo. Theo lẽ thường như vậy là có thể bằng lòng, nhưng thời điểm ấy tôi cảm thấy có một điều gì đó thúc giục mình phải thực hiện một chuyến đi thật xa”.

Hai tiếng “Tây Tạng” loé lên trong đầu Duy  như một tia chớp nhưng tia chớp ấy không tan biến mà nó cứ găm mãi trong não trạng của một kẻ vốn ưa xê dịch.

“Tây Tạng chắc chắn không phải một vùng đất dành cho những người do dự. Từ chuyến đi đầu tiên và suốt 5 năm qua tôi tin điều ấy bởi ai đến được Tây Tạng ngoài hành trình bằng đôi chân chắc chắn còn có một hành trình mà ở đó tâm thức là kẻ hối thúc”- Duy trải lòng.

Duy chỉ mất chừng 3 tiếng đồng hồ để lên kế hoạch cho một chuyến đi dài một tháng và 3 ngày để tập hợp đủ những “người đồng đội” có máu xê dịch giống mình cho chuyến đi 5 năm trước. Đó là thời điểm giữa năm 2013, khi ấy không ít người Việt đã đến Tây Tạng với mục đích du lịch. Nhưng Duy lại muốn đến Tây Tạng theo một cách khác thường, nói đúng hơn là đến Tây Tạng để kiếm tìm một… cuộc sống mới.

img

...Và chinh phục đỉnh Kalapathar. (Ảnh: NVCC)

Phương án đi qua biên giới đường bộ từ Nepal được Duy nêu ra và nhóm bạn đồng hành cũng “nhất trí cao” như một cách thử thách bản thân, chờ đợi những điều bất ngờ. Vùng lãnh thổ Tây Tạng là một khu tự trị được kiểm soát khá kỹ lưỡng về an ninh, ngoài visa thì “giấy phép được nhập cảnh” Tây Tạng là yêu cầu bắt buộc.

Đi qua biên giới đường bộ từ một nước thứ 3 nhóm của Duy chấp nhận tốn chi phí và thời gian hơn nhưng theo họ thì “cái gì cũng có giá của nó”. Thời điểm ấy, Duy thậm chí còn phải vay ngân hàng 100 triệu đồng để lo đủ chi phí cho “chuyến đi cuộc đời”.

“Chúng tôi hăm hở sau vài ngày rong chơi ở Nepal rồi đi qua hành trình núi non hiểm trở để có mặt trên đất Tây Tạng. Được diện kiến Everest- đỉnh núi cao nhất thế giới làm chúng tôi hồi hộp đến mất ngủ. Nhưng rồi, đêm sốc độ cao kinh hoàng khi ở Everest Base Camp dạy cho tất cả một bài học quý mà chỉ đi đứng ở những nơi cơ thể ta chưa từng phải chịu áp lực kinh khủng đến thế ta mới nhận ra- để đi một con đường dài hãy đi từng bước chân nhỏ nhất”- Duy nhớ lại.

img

Tây Tạng trở thành vùng đất bí ẩn khơi gợi giấc mơ đi để thay đổi của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: NVCC)

Đêm ngủ lại ở Base Camp,  toàn bộ các thành viên bị “tra tấn” bởi những cơn đau đầu kinh hoàng. Trường hợp rủi ro nhất do sốc độ cao họ thậm chí có thể phải trả giá bằng mạng sống. Ở Everest Base Camp năm nào cung có người bỏ mạng vì sốc độ cao. Phạm Quang Long, một thành viên trong chuyến đi 5 năm trước và sau này cũng trở thành một người sáng lập “ngôi nhà Tây Tạng” Himalayas không thể quên nổi kỷ niệm rùng rợn ấy: “Đến khi chiếc xe đưa cả nhóm xuống núi chúng tôi mới biết là mình may mắn vì còn sống”.

Sự gian nan trong hành trình đầu tiên ấy lại gợi mở cho Duy một ý tưởng khá “điên”- quy tụ những tâm hồn yêu văn hoá Tây Tạng dưới một mái nhà. “Chỉ 4 tháng sau khi trở về vào giữa năm 2014 chúng tôi đã trở lại Nepal với hoạch định- đưa văn hoá Tây Tạng và vùng đất Himalaya về Việt Nam”- Duy kể lại.

5 năm và 30 chuyến “trở về”

Câu hỏi “phải làm gì để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn?” bám riết và thôi thúc Duy cùng những “đồng đội” của mình sau chuyến trở về từ Tây Tạng.

Chuyến đi lần thứ hai Duy gặp được những “quý nhân” với những lời khuyên bổ ích. Sư ông Thích Đạo Ấn, một quý thầy đang tu học tại Nepal khuyên Duy hãy tìm đến cộng đồng những người đang đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng- mật tông Kim cương thừa.

img

Ánh mắt của một cậu bé Nepal Duy chụp được trên hành trình của mình tới Tây Tạng. (Ảnh: NVCC)

Chị Võ Thị Kim Cương, một người phụ nữ gốc Việt Nam lấy chồng và định cư tại Nepal cũng động viên cả nhóm: “Nếu có một không gian văn hoá Himalaya ở Việt Nam thì người Việt sẽ tò mò hơn trong việc đến các nước Nepal, Tây Tạng, Ấn Độ. Còn những người đã đi rồi thì họ sẽ có một nơi để gửi gắm những tâm sự. Vì thế không gian ấy cần phải đúng nghĩa và đậm chất”.

Lời khuyên của bà chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam tại Nepal củng cố niềm tin cho Duy. “Hai “quý nhân”, hai “đồng bào” Việt Nam khiến chúng tôi tự tin đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng ngôi nhà “HIMALAYAS”. Chúng tôi lấy một cái tên đơn giản với địa danh Himalaya và thêm chữ “S” mang hàm nghĩa “thuộc về Himalaya” và “dải đất chữ S Việt Nam luôn đứng đằng sau” làm bệ phóng”- Duy lý giải cho cái tên Himalayas Vietnam mà mình lựa chọn.

Để xây một ngôi nhà, chỉ với ý tưởng thiết kế và những viên gạch là chưa đủ, phải chuẩn bị “vôi vữa, xi măng”- những chất keo giúp ngôi nhà bền chắc. Ở vùng đất nóc nhà thế giới này đã sẵn có một “chất keo” kỳ lạ gói gọn trong một chữ “Duyên”.

img

Duy và những người bạn mới trên hành trình của mình. (Ảnh: NVCC)

Niềm đam mê với văn hoá Tây Tạng lớn dần để Duy được một vị Rinpoche (bậc thầy cao quý trong Phật giáo Tây Tạng- PV) thu nhận làm đệ tử ở chuyến đi thứ 5 tới Nepal vào giữa năm 2015. Thượng toạ Thích Minh Hiền- trụ trì chùa Hương trong lần tình cờ ghé thăm Himalayas, khi ấy vẫn còn là một không gian nhỏ đặt ở 18 Hàng Rươi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã bảo với Duy rằng: “Hãy là thứ mình làm”.

Chỉ dẫn của Thượng toạ là hành trang theo Duy trong mỗi chuyến đi trở về. “30 chuyến đi 5 năm có lẽ vẫn là chưa đủ bởi câu chuyện Himalaya được nối dài thì đó không chỉ đơn giản là một “cuộc phiêu lưu” nữa. Chúng tôi nghĩ đến việc xây dựng một không gian văn hoá sống và trải nghiệm Tây Tạng, trải nghiệm văn hoá và tinh thần Himalaya”- Duy nhấn mạnh.

Câu chuyện của Duy và Himalayas Vietnam có thể truyền cảm hứng cho những kẻ mộng mơ đặt chân đến những vùng đất mới. Duy chia sẻ rằng, đến Himlayas anh được “làm giàu” theo ý nghĩa đầy đủ nhất: vốn sống, tri thức, mối quan hệ, đức tin… rồi cuối cùng mới là tiền bạc.

“Từ Nepal, Tây Tạng chúng tôi đã đi khắp các dải đất Himalaya ở Bắc Ấn Độ rồi Bhutan để nhìn và hiểu từ thiên nhiên cho tới con người, từ sự tương đồng và khác biệt trong một phông văn hoá “Tạng truyền” thống nhất. Để rồi từ đó chúng tôi không chỉ đưa về không gian của mình những sản phẩm. Himalayas còn phải là một trải nghiệm lạ và đáng giá thì mới khơi gợi người ta đến. “Hệ sinh thái” với các thương hiệu Om Healing, Lungta Center được tích hợp trong “ngôi nhà văn hoá Tây Tạng” mà chúng tôi xây dựng và bồi đắp từng ngày”- Duy hào hứng nói về hành trình đáng nhớ 5 năm qua.

Duy bộc bạch: “Chúng tôi muốn trả ơn vùng đất Tây Tạng kì bí, huyền diệu bằng cách đưa nhiều người hơn đến với nơi này ngay cả khi đang ở VN, không chỉ bởi nóc nhà thế giới là vùng đất mang năng lượng thay đổi và chuyển hoá. Đó cũng là khoảng trời của những kẻ mộng mơ”

“Hệ sinh thái” cho những người muốn thay đổi

Sau 5 năm từ một không gian văn hoá nhỏ bé chỉ trưng bày các vật phẩm mang tính giới thiệu, Himalayas Việt Nam đã có cơ sở tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng với một “hệ sinh thái” sản phẩm và dịch vụ.

Trong ngôi nhà Tây Tạng ấy mọi người có thể trải nghiệm liệu pháp “trị liệu- thiền chuông xoay”, những người muốn được hỗ trợ thông tin hay muốn đến vùng đất này cũng có sân chơi riêng với không gian “Lungta Center”- nơi thường xuyên tổ chức các workshop chia sẻ kinh nghiệm đi, khám phá vùng đất Himalaya, trao đổi kinh nghiệm đi an toàn và trải nghiệm tối đa.


                                                   

                   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem