Bộ Kế hoạch- Đầu tư: Phát triển kinh tế tập thể rất cần sự vào cuộc của Hội Nông dân Việt Nam

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 21/02/2024 10:14 AM (GMT+7)
Ông Đặng Văn Thanh- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” sẽ tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể phát triển lên một tầm cao mới.
Bình luận 0
Bộ Kế hoạch- Đầu tư: Phát triển kinh tế tập thể rất cần sự vào cuộc của Hội Nông dân Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, Quyết định 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” sẽ tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể lên một tầm cao mới. Ảnh: P.V

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Đề án đối với việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn?

- Phải khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp là một ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước ta bởi nó liên quan trực tiếp đến 10 triệu hộ nông dân; liên quan đến các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này cũng như các lao động trong khu vực. 

Để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách, tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển nhưng để tuyên truyền, vận động người dân tham gia kinh tế tập thể và để phản ánh trung thực tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thì rất cần  sự vào cuộc của Hội Nông dân Việt Nam, với hệ thống "chân rết" xuống tận các thôn, bản.

Chính vì vậy, Nghị quyết 09 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam phải thành lập Đề án về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, giao Hội Nông dân Việt Nam chủ trì việc này. Chúng tôi rất mừng là ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Chúng tôi hy vọng với đề án này khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sẽ là bản lề tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung phát triển, sao cho xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư: Phát triển kinh tế tập thể rất cần sự vào cuộc của Hội Nông dân Việt Nam- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thanh Hải, xã Thanh Hải, Lục Ngạn (Bắc Giang) cùng các thành viên phát triển mô hình du lịch sinh thái. Ảnh: N.Chương.

Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã sau khi có Nghị quyết 20?

- Thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam phát triển ở mức độ vừa phải, chưa tương xứng với tiềm lực, lợi thế, địa kinh tế của Việt Nam, nếu so với các nước đã và đang phát triển như, Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan,... thì còn nhiều hạn chế dù tiềm năng, lợi thế của chúng ta rất rõ ràng.

Chính vì vậy, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, với những định hướng rất sát thực tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Sau đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Hợp tác xã 2023 sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như phát huy sự đóng góp của kinh tế tập thể với sự phát triển của đất nước. 

Sau gần 2 năm Nghị quyết 20 được ban hành, đã có một số định hướng, phương hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã rất rõ ràng, các chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được các địa phương quan tâm.

Đơn cử như tỉnh Hậu Giang đã bố trí cho 15 hợp tác xã trên địa bàn 130 tỷ đồng, theo tôi đây là bước đột phá, chứng tỏ các địa phương đã nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã và có những quan tâm, đầu tư cho khu vực này. 

Trong năm 2023, dự kiến năm 2024, nguồn vốn bố trí cho các hợp tác tác xã từ nguồn vốn hợp pháp các địa phương quản lý là 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có một dự án cho hợp tác xã với nguồn kinh phí bố trí 150 tỷ đồng. 

Như vậy, từ tinh thần của Nghị quyết 20, các bộ ngành chức năng, các địa phương đã có cái nhìn tương đối toàn diện, hoàn toàn mới về kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ mới thành lập 25.000 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 2.500 chi Hội Nông dân nghề nghiệp.

Theo ông, Để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện hiệu quả Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, cần ưu tiên những giải pháp nào?

- Trong Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các giải pháp của Thủ tướng đưa ra rất đầy đủ, toàn diện, để quyết định đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bộ ban ngành, địa phương, tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam phát triển các tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp, là tiền đề cho phát triển các hợp tác xã với hình thức hoạt động hoàn toàn mới.

Theo tôi, sau khi có quyết định của Thủ tướng, các địa phương cũng phải xây dựng đề án của địa phương mình căn cứ trên tình hình thực tế của địa phương và tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như vậy sẽ có hệ thống giải pháp đồng bộ, đúng và trúng vấn đề, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể của người dân. 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là cái khung, còn mỗi địa phương cũng cần có những đề án, quyết định riêng để triển khai, giúp Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ sớm đi vào cuộc sống.

Ông có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của kinh tế tập thể trong nông nghiệp sau khi có Đề án này?

- Chúng tôi kỳ vọng Đề án sẽ tạo ra bước phát triển mang tính đột phá cho khu vực nông nghiệp, bởi hiện nay số lượng hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 67% tổng số các hợp tác xã trên cả nước. Khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát huy hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay bởi so với các khu vực khác, khu vực nông nghiệp, nông thôn yếu thế hơn cả về vốn, trình độ, năng lực nên cần hợp lực lại.

Chúng tôi cũng kỳ vọng sau khi có Nghị quyết của Đảng, luật của Quốc hội, có các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và thêm một đề án rất chi tiết thì kinh tế tập thể trong nông nghiệp sẽ phát triển, tạo điều kiện cho người nông dân hợp lực lại, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, đúng như tinh thần Nghị quyết 20 đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem