Bộ Công Thương nói gì về đề xuất doanh nghiệp được mua điện sạch qua đường truyền tải riêng?

23/04/2024 15:55 GMT+7
Tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp được mua bán không qua EVN, mà bằng đường dây riêng hoặc lưới truyền tải điện quốc gia.

Theo Bộ Công Thương, mục đích xây dựng Nghị định về quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện.

Bên cạnh đó, việc mua bán điện trực tiếp sẽ góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.

Bộ Công Thương nói gì về đề xuất doanh nghiệp được mua điện sạch qua đường truyền tải riêng?- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đưa cơ chế cho doanh nghiệp được tự xây dựng đường dây truyền tải riêng để mua bán điện độc lập (Ảnh: EVN).

Tại dự thảo Nghị định lần này, Bộ Công Thương đề xuất 2 chính sách đó là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn có thể mua bán điện thông qua đường dây riêng.

Trong trường hợp này, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện. Giá bán điện sẽ do hai bên thỏa thuận trực tiếp.

Theo Bộ Công Thương, nội dung của chính sách này nhằm xây dựng quy định mà các bên tham gia việc mua bán điện này phải tuân thủ để triển khai hoạt động mua bán điện như vấn đề về: Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; quy định về đơn vị phát điện, khách hàng lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng; hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện; trách nhiệm thực hiện.

Đề xuất thứ 2 được Bộ Công Thương đưa ra là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu đang muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đều có cam kết về môi trường, việc quy định các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ chế mua bán điện trực tiếp tham gia thị trường điện đảm bảo việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp trong trường hợp cơ sở của đơn vị phát điện và khách hàng ở xa nhau, không có kết nối trực tiếp về mặt vật lý, khi đó, đơn vị phát điện sẽ thông qua hệ thống lưới điện quốc gia để truyền tải điện đến cơ sở tiêu thụ của khách hàng.

Đồng thời, việc ban hành quy định để đảm bảo các bên thực hiện thỏa thuận theo đúng tính chất của cơ chế mua bán điện trực tiếp, tránh các hiện tượng chuyển giá và trục lợi từ cơ chế. Ngoài ra, chính sách này giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình đã được duyệt.

Theo cơ quan soạn thảo, xây dựng quy định mà các bên tham gia việc mua bán điện này phải tuân thủ để triển khai hoạt động mua bán điện như vấn đề về: Giao dịch giữa các đơn vị; mua bán điện của đơn vị phát điện thông qua thị trường điện giao ngay; mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng và đơn vị bán lẻ điện; hợp đồng giữa khách hàng và đơn vị phát điện; và trách nhiệm thực hiện.

Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khuyến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh các Thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức Tài chính Phát triển cho vay các dự án lớn về Chuyển đổi Năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo ông, các nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư. Những vấn đề then chốt bao gồm việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).

"Chúng tôi rất vui và được khích lệ bởi những tín hiệu cho thấy DPPA có thể được triển khai vào ngày 1/7 năm nay. Các thành viên của Hiệp hội chúng tôi – cùng với các nhà đầu tư và khách hàng, luôn sẵn sàng hỗ trợ triển khai sớm nhất chương trình đáng mong đợi từ lâu này", Vị Chủ tịch AmCham bày tỏ.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh cần thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (không phải qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà phát điện và người tiêu dùng cuối cùng.

An Linh
Cùng chuyên mục