Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 09/04/2024 05:45 AM (GMT+7)
Ngày 8/4, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV và cấp V trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Cảnh báo cực kỳ nguy hiểm

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên hệ thống thông tin quản lý cháy rừng, mất rừng của Cục Kiểm lâm tính đến ngày 29/3/2024 và qua theo dõi diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến nay, hiện đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, thảm thực bì ở các khu vực rừng khộp, rừng trồng hầu hết đã khô kiệt, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 1.

Người dân xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận đặt máy bơm nước tận dụng những vũng nước cón sót lại vào thời điểm cuối tháng 3/2024. Ảnh: NT

Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cảnh báo cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm ) tại địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết. Riêng địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam được cảnh báo cháy rừng cấp V (cực kỳ nguy hiểm).

Trước tình hình này, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đề nghị Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BCH BVR -PCCC) cấp huyện đến các xã, phường, thị trấn; Hạt Kiểm lâm các huyện, Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm phương án của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận về bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Song song đó là triển khai thực hiện ngay các biện pháp PCCC rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó, tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để có biện pháp chủ động kiểm soát tình hình cháy rừng. Khi phát hiện có xảy ra cháy rừng, tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn, cháy lan trên diện rộng gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đề nghị Hạt Kiểm lâm cấp huyện tham mưu cho Ban chỉ huy BVR – PCCCR huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng tăng cường kiểm tra công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi canh. Lực lượng canh phòng trực phải đảm bảo thời gian quy định; dừng thực hiện biện pháp đốt giảm vật liệu cháy. Song song, các xã tuyên truyền trên loa phóng thanh của địa phương về việc nghiêm cấm người dân đốt dọn nương rẫy tại các khu vực ven rừng và khu vực trọng điểm.

Ngoài ra, đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra ở các địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh theo lệnh điều động.

Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 2.

Hồ chứa Tà Mon thuộc địa phận xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam bị khô nước vào thời điểm cuối tháng 3/2024. Ảnh: NT

Các BQL rừng phòng hộ; Khu bảo tồn thiên nhiên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp … cần tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực canh phòng 24/24 giờ thường xuyên tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi xanh và ngoài hiện trường rừng, nhất là vào giờ cao điểm; phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.

Gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và TP Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người.

Nguyên nhân thiếu nước là do tại các xã khu vực nông thôn có 79.066 hộ gia đình (303.661 người), chiếm 40% dân số nông thôn của toàn tỉnh chưa được đầu tư công trình cấp nước và sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa.

Một số công trình cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt trên sông, suối để hoạt động sản xuất nước sạch. Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên cho sinh hoạt.

Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 3.

Những người dân ở xã Tân Lập huyện huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận khoan giếng dưới lòng suối khô để tìm nguồn nước. Ảnh: NT

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Qua đó tính toán cân bằng nước để tổ chức vận hành, phân phối nước từng công trình bảo đảm tiết kiệm, hợp lý. Trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân đến 30/6.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền đến người dân biết về khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong năm 2024 để sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tích, trữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Nhiều hồ chứa nước bị khô cạn

Theo báo cáo mới nhất của các sở ngành liên quan, công trình hồ chứa Tà Mon thuộc địa phận xã Tân Lập huyện Hàm Thuận Nam có nhiệm vụ tưới cho khoảng 100ha ruộng lúa 2 vụ/năm của cánh đồng Tà Mon. Tuy nhiên, do cây lúa có giá trị kinh tế không cao nên người dân đã chuyển đổi sang trồng cây thanh long. Vì vậy, công trình này không còn nhiệm vụ tưới cho cây lúa nữa mà chuyển sang nhiệm vụ tưới cho 183ha cây thanh long và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng hưởng lợi.

Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 4.

Thiếu nước tưới, một vườn thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận bị "chết khô". Ảnh: Bùi Phụ

Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên tình hình nguồn nước không được thuận lợi, mùa mưa kết thúc sớm nên trong tháng 11/2023 hồ Tà Mon đã mở nước phục vụ tưới cho cây thanh long. Trong mùa khô năm 2023-2024 hồ Tà Mon đã mở nước phục vụ tưới được 7 phiên tưới và phiên tưới cuối cùng kết thúc vào ngày 2/3/2024, vì hồ hết nước.

Huyện Hàm Thuận Nam đã có các văn bản gởi UBND xã Tân Lập về việc tuyên truyền vận động người dân không chong đèn thanh long trái vụ và có giải pháp tưới tiết kiệm, mở rộng thêm ao, khoan giếng, đắp các cản, đập tạm trên suối để tích trữ nguồn nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất.

Còn công trình đập dâng Hàm Cần thuộc địa bàn thôn 3, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam( Bình Thuận) có nhiệm vụ tưới cho 200 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho vùng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 3, xã Hàm Cần.

Tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước trên sông giảm nhanh. Hàng năm, khoảng tháng 12 là không còn nước và đến tháng 6 mới có nước trở lại, do thời tiết có mưa. Vì vậy hiện nay, công trình này chỉ cấp nước tưới cho khoảng 40ha cây lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa vào mùa mưa. Vào mùa khô, công trình này không có nguồn nước để phục vụ tưới cho khoảng 150ha cây thanh long trong khu tưới, người dân phải tự đào ao, khoan giếng để tưới, vì công trình này đến nay nguồn nước không còn.

Bình Thuận nâng mức nguy cơ cháy rừng lên cực kỳ nguy hiểm, gần 76.000 người thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 5.

Một con suối lớn ở xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận bị khô trơ đá. Ảnh: NT

Công trình hồ chứa nước Ba Bàu, xã Hàm Thạnh huyện Hàm Thuận Nam. Hiện nay, công trình hồ chứa nước Ba Bàu có 2 tuyến kênh gồm kênh chính Đông và kênh chính Bắc, với diện tích tưới là 3.646ha.

Trong đó, cây thanh long là 3.408ha, rau màu và cây lúa 03 vụ là 238ha. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ cấp nước thô cho nhà máy nước Ba Bàu-Mương Mán nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Nhưng đầu tháng 4 này vẫn chưa có mưa nên đã kết thúc và không còn nước tưới. Vì lượng nước còn lại ưu tiên cấp nước thô cho nhà máy nước Ba Bàu - Mương Mán nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân đến ngày 30/6/2024 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem