Bí thư Hà Nội: "Phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".

Vương Vân Thứ sáu, ngày 12/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 11/1, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã làm việc với quận uỷ Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, giai đoạn 2020 – 2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo.
Bình luận 0

Đề nghị sớm triển khai dự án Nhà hát Opera

Cụ thể, Thường trực Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng đã chủ trì, đã làm việc với Quận ủy Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, giai đoạn 2020 - 2023, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do quận quản lý bình quân hằng năm đều tăng.

Cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng "Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp", trong đó, giá trị dịch vụ - du lịch chiếm 67%, công nghiệp chiếm 32,8%, nông nghiệp chiếm 0,2%. Thu ngân sách hàng năm đều tăng so với chỉ tiêu được giao. Năm 2023, tổng thu ngân sách quận đạt 119% kế hoạch năm; tổng chi ngân sách quận đạt 93% kế hoạch năm…

Bí thư Hà Nội: "Phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".- Ảnh 1.

Địa bàn quận Tây Hồ có 3 dự án trọng điểm, trong đó có dự án Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An, quận này đề nghị Thành phố sớm triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận. Trong ảnh là Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TP.HN

Quận quan tâm, đầu tư 56 dự án cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp văn hóa với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; phường Nhật Tân đã được công nhận là khu du lịch cấp Thành phố.

Trong năm, quận đã tổ chức 230 chương trình nghệ thuật tại không gian văn hóa sáng tạo Trịnh Công Sơn góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Quận cũng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực Phân khu đô thị sông Hồng R3 - R4 liên quan 5 phường ngoài đê.

Phối hợp với Viện quy hoạch - Xây dựng; Sở Quy hoạch và Kiến trúc triển khai thực hiện đồ án Lập Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (phường Quảng An và phường Tứ Liên) tỷ lệ 1/500…

Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt, đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 41 dự án. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng trường học, công trình y tế, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình dân sinh bức xúc, đường giao thông theo quy hoạch.

Tại buổi làm việc, quận Tây Hồ có một số kiến nghị, đề xuất, trong đó đề xuất TP.Hà Nội cho phép đầu tư các dự án thuộc phân cấp của Thành phố như xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ; xây dựng tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, thuộc địa bàn quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm; xây dựng tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ, phường Bưởi.

Bí thư Hà Nội: "Phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh (phải) nhấn mạnh, quận Tây Hồ phải coi hồ Tây là tiềm năng, giá trị cốt lõi để phát triển. Ảnh: TP.HN

Quận Tây Hồ cũng đề nghị Thành phố giao quận thực hiện dự án xây dựng Khu nhà tái định cư tại X1, phường Phú Thượng, với 828 căn hộ; giao quận thực hiện giải phóng mặt bằng và làm chủ đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư đối với ô đất CT4 thuộc Khu tái định cư Xuân La; Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường Hồ Tây.

Đáng chú ý, trên địa bàn quận có 3 dự án trọng điểm (Bệnh viện Tim cơ sở 2, dự án Nhà hát Opera và Khu văn hóa đa năng Quảng An, dự án cầu Tứ Liên), quận Tây Hồ đề nghị Thành phố sớm triển khai thực hiện 3 dự án trên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận trong thời gian tới…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, quận Tây Hồ đã tạo ra chuyển biến rõ nét trong xử lý triệt để những vấn đề tồn tại lâu dài như đã di chuyển các tàu sắt, tạo ra điểm sáng của quận, tạo ra các cụm, khối liên kết để thu hút khách du lịch.

Theo ông Quyền, thách thức lớn nhất với quận Tây Hồ hiện nay ảnh hưởng đến sự phát triển là liên quan đến tồn tại về đất đai cả trong và ngoài đê, tình trạng lấn chiếm đê điều... Do đó, trong những năm tiếp theo, quận cần bám sát định hướng của Thành phố, phát triển dịch vụ du lịch, gắn với phát triển vùng bãi sông Hồng, hồ Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Với các đề xuất của quận, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị quận Tây Hồ cần tính toán có đề xuất mang tính chất lâu dài và rà soát, sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên để có kế hoạch, lộ trình thực hiện trong các năm 2024-2025 và giai đoạn trung hạn.

"Phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa"

Nhấn mạnh phải coi hồ Tây là tiềm năng, giá trị cốt lõi để phát triển, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, trước hết, đội ngũ lãnh đạo quận phải có khát vọng, phải có tầm nhìn, đưa ra được kiến nghị có tầm khu vực, quốc tế. Phải sớm thành lập được Ban quản lý Hồ Tây với Đề án phát triển nghiêm túc, bài bản.

Bí thư Hà Nội: "Phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".- Ảnh 3.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu "phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia". Ảnh: TP.HN

Chủ tịch Sỹ Thanh đánh giá, để phát triển không gian văn hóa hồ Tây cả về cả tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa hồ Tây phải có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối...

Quận Tây Hồ cũng có thể nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị, từ đó tạo không gian mới, người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị. Thành phố sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để quận triển khai thực hiện.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, quận Tây Hồ luôn đi tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, không trông chờ, ỷ lại, không né tránh trách nhiệm.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị quận phải giữ gìn và khơi thông được giá trị hồ Tây và khu vực xung quanh hồ Tây, coi đây là nguồn lực và phát triển bền vững của Tây Hồ.

Người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội yêu cầu quận Tây Hồ phải xây dựng đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của các sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan "phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".

Cùng với đó, phải quan tâm công tác rà soát, đào tạo đội ngũ cán bộ, chọn lựa cán bộ có năng lực để bố trí vào các công việc phù hợp, tạo chuyển biến tích cực. Thành phố sẽ đồng hành với quận, tăng cường nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem