Bệnh nhân Trung Quốc thứ 2 nhiễm virus corona đã khỏi bệnh

Bạch Dương Thứ tư, ngày 12/02/2020 19:10 PM (GMT+7)
Được đánh giá là bệnh nhân nhiễm virus corona (Covid-19) nặng nhất tại Việt Nam, sau 21 ngày điều trị, ông Li Ding (66 tuổi, người Trung Quốc) sau nhiều lần xét nghiệm âm tính đã chính thức được xuất viện vào chiều tối 12/2.
Bình luận 0

img

Ông Li Ding (áo hồng) bước ra khỏi khu vực cách ly người nhiễm virus corona Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chiều 12/2. Ảnh: B.D.

Bước ra khỏi khu cách ly, ông Li Ding cúi người cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã không quản ngày đêm, lễ tết dốc lòng cứu chữa cho ông khỏi bệnh. Không giấu được xúc động, ông chia sẻ: “Hôm nay là ngày xuất viện của tôi. Tôi rất xúc động và cảm kích. Từ đầu tiên tôi muốn nói tới đó là cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam và đặc biệt là cảm ơn tất cả các y tá, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã hàng ngày chăm sóc cho tôi trong những ngày qua. Từng cử chỉ, bước đi của họ, tôi đều tỏ lòng biết ơn sâu sắc."

Người đàn ông này cho rằng ông thật hạnh phúc và may mắn khi bị bệnh đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. "Khi nhập vào đây tôi không đi nổi, toàn bộ cơ thể suy nhược. Bây giờ tất cả mọi thứ đều tốt. Hôm nay gia đình tôi được đoàn viên, tôi rất vui mừng. Tối nay chúng tôi vẫn lưu trú ở lại bệnh viện một đêm, sau đó sẽ tìm một chuyến bay thích hợp để trở về Trung Quốc”, ông nói. 

img

Ông Li Ding cúi người cảm ơn các bác sĩ Việt Nam đã chữa trị cho ông khỏi virus corona. Ảnh: B.D.

Nhập viện đêm 21/1 trong tình trạng sốt, suy hô hấp nặng, không thể tự đi lại cũng như làm các sinh hoạt cá nhân, sau 21 ngày điều trị, ông Li Ding đã hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm vui khôn tả của vợ con cũng như các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, bệnh nhân Li Ding có thể coi là ca nhiễm Covid-19 nặng nhất vì bệnh nhân lớn tuổi, lại có nhiều bệnh nền như: Đái tháo đường typ 2, cao huyết áp, đã cắt một phần phổi do u và đặt 2 stent. Bệnh nhân nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao trong khi chưa hề có thuốc đặc trị.

Nhờ sự chẩn đoán nhanh, cách ly triệt để kịp thời, tìm phác đồ điều trị hợp lý không chỉ cho bệnh lý viêm phổi do virus corona mà còn phải điều trị trên nền các bệnh sẵn có, bệnh nhân được cách ly tại phòng thông thoáng, có ánh sáng mặt trời để kiểm soát nồng độ virus. Cùng với các loại kháng sinh cho bệnh nền, bệnh nhân được súc miệng và rửa tay thường xuyên. Bệnh nhân đã dần hết sốt, không phải thở oxy, có thể ngồi dậy, đi lại sinh hoạt bình thường.

img

Gia đình ông Li Ding vui mừng nhận giấy ra viện. Ảnh: B.D.

BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, do tình trạng mắc bệnh nặng nên thời gian điều trị của bệnh nhân Li Ding dài hơn khá nhiều so với người con Li Zichao. Sau nhiều lần phết họng và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho kết quả âm tính, bệnh nhân đã được xét xuất viện theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Chúng tôi thật sự rất vui mừng vì đây là một ca nặng, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã chữa khỏi, cũng là một thành công lớn của y tế Việt Nam trong quá trình phòng chống dịch Covid-19”.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP.HCM hiện tại đang khống chế rất tốt khi 2/3 ca mắc đã xuất viện, ca Việt kiều điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đang tiến triển tốt. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã cách ly các ca nghi nhiễm rất triệt để và kịp thời, hạn chế tối đa dịch lây lan trong cộng đồng.

img

Đây cũng là niềm vui chung của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi chữa khỏi cho 2 cha con người Trung Quốc nhiễm virus corona. Ảnh: B.D.

Mặc dù Việt Nam đã có ca mắc thứ 15 là em bé 3 tháng tuổi tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nhưng đã có 7 ca xuất viện, 8 ca còn lại đều có diễn tiến hồi phục tốt, đồng thời Vĩnh Phúc hiện đang khống chế được tình hình dịch trên địa bàn.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi nhiễm hoặc có cảm giác bất an muốn được kiểm tra sức khỏe thì không nên đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch đã và đang chỉ đạo các địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống dịch nên các bệnh viện tuyến huyện, thậm chí tuyến xã đều đã được tập huấn về phòng chống dịch rất tốt. Vì thế, người dân nên đến các bệnh viện địa phương, tránh dồn về bệnh viện tuyến cuối có thể gây quá tải, lây nhiễm chéo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem