Bệnh bạch hầu - chủ quan là thiệt mạng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 21/01/2017 06:20 AM (GMT+7)
Ổ dịch bạch hầu ở Trường THPT Tây Giang (huyện Tây Giang, Quảng Nam) đã làm 2 học sinh 17 tuổi tử vong và nhiều người nghi lây nhiễm. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) người mắc bệnh bạch hầu thì dễ gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bình luận 0

Dễ biến chứng nguy hiểm

Theo điều tra dịch tễ, ổ dịch bạch hầu tại Trường THPT Tây Giang bắt đầu từ cuối tháng 12.2016. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện từ ngày 24.12.2016, tuy nhiên do vướng vào đợt thi học kỳ và nghỉ Tết dương lịch nên đến mùng 4.1.2017 mới được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Tây Giang. Bệnh nhân được chỉ định chuyển tuyến trên, tuy nhiên trên đường đi thì tử vong. Một bệnh nhân khác xuất hiện triệu chứng bệnh từ ngày 2.1, được đưa vào viện ngày 7.1, nhưng cũng tử vong sau đó 2 ngày. Cả hai học sinh đều đang học lớp 11, cùng 17 tuổi.

img

Cán bộ y tế tỉnh Quảng Nam tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho người dân vùng dịch.
  Ảnh: KSĐS 

Xét nghiệm cho thấy, hai bệnh nhân này dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Ngoài ra, theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, qua giám sát đã phát hiện thêm 5 người có triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó nên đã đưa đi viện để điều trị. Sở cũng đã cách ly hơn 20 người tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi.

Sở Y tế Quảng Nam cũng đã chỉ đạo triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình 5 trường hợp nặng và tại khu điều trị tại Trung tâm Y tế Tây Giang, tại Trường THPT Tây Giang, Trường dân tộc nội trú huyện Tây Giang. Đến ngày 17.1, các ca nghi mắc bạch hầu đã ổn định sức khoẻ và không phát hiện thêm ca nghi mắc bạch hầu mới. 

Theo PGS - TS Trần Đắc Phu, hai ca tử vong do bạch hầu ở Tây Giang là do ban đầu chẩn đoán không đúng bệnh, đi viện quá muộn. “Bạch hầu là bệnh lây truyền nguy hiểm. Nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao” – PGS Phu cho hay.

Theo ông Phu, trước đây, bệnh bạch hầu là “sát thủ” nguy hiểm, dịch lan rộng và tỷ lệ tử vong lớn, lưu hành ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên hiện nay, bệnh đã có vaccine phòng ngừa và vaccine này cũng đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng với tỷ lệ trẻ được tiêm phòng rất cao nên bệnh đã được khống chế. Hiện chỉ còn một số ổ dịch xảy ra ở vùng sâu vùng xa, vùng núi, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ông Phu nhận định, Tây Giang là huyện miền núi, sát với Lào. Năm 2015, tại Lào đã xảy ra dịch bạch hầu với hơn 600 ca mắc. Do đó, một số người ở Tây Giang chưa được tiêm phòng hoặc chưa có miễn dịch bạch hầu nên bị mắc bệnh. Trước đó, năm 2015, tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam cũng đã xảy ra dịch bạch hầu khiến 13 người mắc, 3 người tử vong. Còn tháng 7.2016, dịch bạch hầu ở huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã khiến 47 người nghi mắc và 3 người tử vong.

Biểu bệnh của bệnh bạch hầu có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, và có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục; trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Tốt nhất là tiêm phòng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho hay, bạch hầu đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện giả mạc màu trắng (màng trắng xám) ở thanh quản, hầu họng. Các màng trắng xuất hiện sau khi người bệnh có các triệu chứng mắc bệnh 2-3 ngày (sốt, đau họng nhẹ, khàn tiếng, chán ăn). Những màng trắng này lan rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ xuất hiện và bịt kín đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu thì bệnh nhân tử vong rất nhanh. “Không ít người tìm cách chọc thủng màng trắng này tuy nhiên màng thịt dai nên khi chọc thủng gây đau đớn, chảy máu. Đồng thời màng sẽ mọc lan liên tục nên chọc màng này lại có màng khác nên không có tác dụng khơi thông hô hấp. Cách làm duy nhất là mở khí quản “giải phóng” đường thở, nhưng kỹ thuật này chỉ có cán bộ y tế mới làm được” – bác sĩ Cấp cho biết.

Ngoài ra, bệnh bạch hầu còn gây các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, gây rối loạn nhịp tim. Một số bệnh nhân còn bị viêm dây thần kinh ngoại biên gây liệt hoặc viêm phổi. Tỷ lệ tử vong của bệnh này từ 10-20%. Theo bác sĩ Cấp, điều trị bệnh bạch hầu chỉ cần dùng kháng sinh và tiêm huyết thanh để tiêu trừ độc tố. Nếu phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân bị bạch hầu sẽ khỏi hẳn mà không để lại di chứng gì. 

Theo PGS Phu, vũ khí tốt nhất để đối phó với vi khuẩn bạch hầu là vaccine. Hiện hơn 1.500 giáo viên và học sinh Trường THPT Tây Giang đã được tiêm phòng vaccine bạch hầu. Sở Y tế Quảng Nam cũng dự định triển khai tiêm vaccine cho toàn người dân tại hai thôn nơi có 2 em học sinh tử vong.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đúng lịch. Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2 khi 3 tháng, mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi. 

Sau khi tiếp xúc với nguồn lây, người mang vi khuẩn bạch hầu thường ủ bệnh từ 1-10 ngày (thường là từ 2-5 ngày), sau đó gặp các triệu chứng: Sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, sau đó xuất hiện các giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, cũng có thể xuất hiện màng ở kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Người bệnh cần được đưa đi cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem