Bế mạc Festival Huế 2014: Tính chuyên nghiệp… thụt lùi

Thứ ba, ngày 22/04/2014 06:59 AM (GMT+7)
Sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức festival đã khiến nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật của Việt Nam tại Festival Huế 2014 kém hấp dẫn và bị “lép vế” trước nghệ thuật ngoại.
Bình luận 0
“Mảng tối” từ nghệ thuật Việt

Tối 20.4, Festival Huế 2014 đã khép lại bằng chương trình bế mạc diễn ra tại công viên cầu Gia Hội. Chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra liên tục trong 9 ngày đêm đã kết thúc với nhiều chuyện vui nhưng cũng không ít việc phải suy ngẫm. Với lượng lớn các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tham dự, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình. Điều đó cho thấy Festival Huế là festival văn hóa nghệ thuật không chỉ đạt tầm quốc gia mà còn có khả năng vươn tới tầm quốc tế.

Vẻ đẹp của tà áo dài Việt bị sân khấu khổng lồ làm cho lu mờ.
Vẻ đẹp của tà áo dài Việt bị sân khấu khổng lồ làm cho lu mờ.

Các chương trình nghệ thuật cộng đồng với sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế đẳng cấp cao đã tạo ra sự cuốn hút đặt biệt đối với công chúng. Với những chương trình nghệ thuật miễn phí này, tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội vẫn có thể cảm nhận được festival, được tiếp cận, thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của thế giới. Không gian festival được mở rộng về tận nhiều khu vực nông thôn, miền núi khiến cho Festival Huế thật sự là “đại tiệc” văn hóa nghệ thuật. Thời buổi này tỉnh nào trong nước cũng có thể làm festival, nhưng chưa có sự kiện nào đạt được tầm vóc như Festival Huế.

Nhưng đây cũng là kỳ festival có nhiều “mảng tối”, thể hiện rõ ở nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật. Sau nhiều lần được tổ chức thành công, Lễ hội Áo dài- một trong những lễ hội “đinh” của Festival Huế 2014- được đông đảo công chúng chờ đợi. Vậy nhưng, Lễ hội Áo dài tại Festival Huế năm nay lại là chương trình để lại thất vọng nhiều nhất. Vẻ đẹp vĩnh cửu của tà áo dài Việt Nam qua ý tưởng rộng mở và táo bạo của các nhà thiết kế đã bị chính cái sân khấu quy mô lớn tại Kỳ Đài- Quảng trường Ngọ Môn làm cho… lu mờ.

Sau khi xem xong chương trình Lễ hội Áo dài vào đêm 14.4, chị Nguyễn Phương Thúy- du khách đến từ Hà Nội- ngán ngẩm: “Vẻ đẹp của tà áo dài đã bị lút vào cái sân khấu khổng lồ chằng chịt bậc cấp và tràn ngập ánh sáng. Từ khán đài, khán giả dốc hết thị lực cũng không thể nhận diện được hoa văn trên tà áo dài, chỉ thấy bóng người mẫu nhỏ bé khó nhọc bước qua các bậc cấp và bị lút vào những thứ ánh sáng đủ màu sắc”.

Rõ ràng việc sử dụng sân khấu khổng lồ trên để trình diễn áo dài là một sai lầm, vì việc trình diễn loại trang phục này chỉ phù hợp ở một không gian văn hóa, kiến trúc hẹp. Với không gian này và với khoảng cách từ sân khấu đến khán đài thích hợp mới giúp khán giả chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của tà áo dài.

Bên cạnh sự thất bại của Lễ hội Áo dài, nhiều tiết mục nghệ thuật Việt tại festival năm nay cũng bị không gian biểu diễn làm cho lu mờ. Nhiều người am hiểu nghệ thuật ở Huế nói, họ thấy hụt hẫng sau khi xem chương trình khai mạc.

Nhiều tiết mục nghệ thuật Việt tại chương trình này như nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, quan họ Bắc Ninh… đã trở nên kém hấp dẫn bởi nó bị lút vào một sân khấu đồ sộ trong khi những loại hình nghệ thuật này chỉ phù hợp với không gian hẹp với một cộng đồng rất nhỏ. Những bài hát về Huế tại chương trình khai mạc và bế mạc thì người Huế nghe cũng… xấu hổ chứ không nói người ngoài tỉnh. Việc những bài hát kinh điển về Huế “vắng bóng” tại các chương trình quan trọng trên là điều rất khó hiểu.

Sa đà vào chuyện hoành tráng


Trao đổi với phóng viên NTNN, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, việc nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật Việt tại Festival Huế 2014 kém hấp dẫn là bởi tính chuyên nghiệp trong công nghệ làm Festival của tỉnh đang… thụt lùi. Theo ông Hoa, việc thiếu người am hiểu về nghệ thuật đã khiến những chương trình, tiết mục nghệ thuật trên được đưa ra biểu diễn ở một không gian không phù hợp. Đội ngũ nhân lực thật sự có khả năng làm festival ở tỉnh ngày càng ít và đang bị hành chính hóa.

Các hoạt động cộng đồng tại Festival Huế thu hút được nhiều người xem nhưng lại ít khuyến khích được công chúng tham gia. Hình ảnh nghệ sĩ ở Huế đàn hát trên đường phố hay vẽ chân dung miễn phí cho người dân và du khách đã vắng bóng tại Festival do thiếu chính sách chia sẻ lợi ích.

Ông Hoa bảo, Festival Huế là lễ hội lớn nhưng lại thiếu hoạt động marketing. “Ngày trước, trước khi festival diễn ra 6 tháng chúng tôi đã bán vé ở bên Pháp và quảng bá tại các hội chợ quốc tế. Giờ họ không làm việc đó, khách nước ngoài đến festival chủ yếu là họ đến Việt Nam, đến Huế, nghe có festival nên mới mua vé thôi”- ông Hoa nói.

Một điểm thiếu chuyên nghiệp khác, theo ông Hoa, là các hoạt động cộng đồng tại Festival Huế thu hút được nhiều người xem nhưng lại ít khuyến khích được công chúng tham gia. Hình ảnh nghệ sĩ ở Huế đàn hát trên đường phố hay vẽ chân dung miễn phí cho người dân và du khách đã vắng bóng tại festival do thiếu chính sách chia sẻ lợi ích.

Việc tổ chức các kỳ Festival Huế là để xây dựng Huế trở thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những gì diễn ra khiến người ta lo ngại cho tương lai của thành phố festival này. Trên thực tế, diện mạo của thành phố festival chỉ hiện hữu vào những dịp có festival, xong festival thì diện mạo này gần như biến mất.

Điều này bắt nguồn từ việc thiếu sự quan tâm đầu tư cho thiết chế văn hóa. Huế hiện không có một trung tâm giải trí nào “ra tấm ra món”, không có sân khấu ngoài trời, thiếu đội ngũ giám đốc nghệ thuật, đội ngũ tổ chức sự kiện, âm thanh, ánh sáng… Thiếu những điều đó thì Huế không thể trở thành phố quanh năm có lễ hội.

“Thành phố Huế không biết bao giờ mới trở thành thành phố festival? Thay vì xây dựng thành phố festival thì Huế chỉ làm festival và thay vì nâng cao tính chuyên nghiệp để tăng cường chất lượng nghệ thuật cho Festival Huế thì người ta lại sa đà vào chuyện làm sao cho nó hoành tráng hơn, nhiều đoàn nghệ thuật hơn, nhiều nước tham gia hơn… những kỳ festival trước. Vì vậy, tôi khẳng định Festival Huế đang đi chệch hướng”- ông Hoa phân tích.

An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem