Bầu Đức ở đâu trong thành công của U23 Việt Nam?

Chính Minh Thứ hai, ngày 29/01/2018 19:10 PM (GMT+7)
Chuyện thật như đùa là nếu cuối năm 2017, ai đó đã trách cứ bầu Đức sau thất bại SEA Games 2017; thì tới đầu năm 2018, tất cả sẽ phải tung hô ông bầu phố Núi…
Bình luận 0

Những ngày tháng 8.2017 thực sự là một nỗi đau đối với bóng đá Việt Nam khi những “hạt ngọc” của lò HAGL-Arsenal JMG thất bại cay đắng ở SEA Games 2017.

HLV Hữu Thắng tuyên bố rời “ghế nóng” ngay trên đất Malaysia. Sau đó, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL và CLB bóng đá HAGL cũng xin từ chức Phó Chủ tịch VFF.

img

Bầu Đức từng rất buồn khi U23 Việt Nam thất bại tại SEA Games 2017 và ông bị coi như "tội đồ". Ảnh: I.T

Ngày ấy, dư luận đã ầm lên chuyện bầu Đức thao túng, chi phối các đội tuyển quốc gia một thời gian dài, dẫn đến chuỗi thành tích bết bát.

Đầu tháng 12.2017, bên lề Đại hội thường niên VFF, bầu Đức đã chia sẻ với báo chí:  “Các bạn đã thấy một nghịch lý: 10 cầu thủ HAGL được triệu tập vào đội tuyển U23 Việt Nam là thành tích rất lớn, vậy mà nó khiến tôi thành tội đồ. Tội đồ là gì? Là người có công đóng góp cho đội tuyển lớn nhất cũng thành có tội”.

“Họ cứ tưởng tôi đi vận động hành lang thì cầu thủ được đưa vào đội tuyển. Tôi cho rằng đó là một nỗi nhục rất khó chịu. Lúc đó, tôi rất chán nản, muốn bỏ bóng đá luôn”.

“Nhiều người còn hiểu nhầm chuyện tôi từ chức nên tôi phải nói lại cho rõ. Tôi xây dựng Học viện bóng đá và rất muốn Việt Nam vô địch SEA Games”.

“Tôi quyết tâm rất lớn, âm thầm hỗ trợ đội tuyển để bằng mọi giá vô địch SEA Games. Với những mong muốn quá lớn, tôi đã tuyên bố làm không được tôi sẽ từ chức. Tôi đã thực hiện lời hứa đó. Mình là người lớn, là đàn ông, đã nói là phải thực hiện, vậy thôi!”.

“Lúc họp Ban chấp hành, tôi cũng cương quyết xin từ chức. Nhưng tôi là người đương chức, không phải xin là được. Từ chức là phải làm đơn, đồng ý hay không là do ban chấp hành”.

“Cuối cùng, họ không cho tôi được từ chức. Tôi muốn nói điều đó cho các bạn biết. Chứ không phải là ông Đức này ham hố gì chức vụ này, ông ấy chỉ nói mồm chứ không thực hiện”.

img

Chính bầu Đức là người đã quyết định mời HLV Park Hang-seo tới Việt Nam dẫn dắt U23 và đội tuyển quốc gia thế chỗ HLV Hữu Thắng. Ảnh: I.T

Ông Đức ở lại và cuối cùng chúng ta đã có thành công lịch sử gắn với đội U23 Việt Nam!

Tâm sự với Dân Việt sau khi U23 Việt Nam thành công vang dội, một lãnh đạo VFF đã chia sẻ: “Công của anh Đức hết đấy! Chính anh Đức đã âm thầm sang Hàn Quốc đàm phán xong đâu đó hết rồi về việc ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo. Anh Đức cũng là người trả lương cho HLV người Hàn Quốc (khoảng 20 nghìn USD/tháng).

Nhìn lại cả hành trình suốt hơn 15 năm làm bóng đá đã qua tính từ lúc HAGL xuất hiện “làm mưa làm gió” ở giải hạng Nhất 2002 sau đó là V.League 2003, 2004 với bộ ba ngôi sao Thái Lan Dusit-Tawan-Kiatisuk, bầu Đức đã ghi dấu ấn đặc biệt với việc cho “ra lò” Học viện HAGL-Arsenal JMG năm 2007.

img

U23 Việt Nam được "biển người" với cờ đỏ sao vàng đón chào như những người hùng dân tộc trong ngày trở về. Ảnh: Thành An

Lứa đầu tiên của Học viện với những Văn Thanh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy… kết hợp với những nhân tố tốt nhất của các “lò” Hà Nội FC (Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Đức Huy, Đình Trọng), PVF (thủ môn Tiến Dũng, Tiến Dụng, Đức Chinh), Viettel (trung vệ Tiến Dũng), SLNA (Văn Đức, Xuân Mạnh)… đã tạo nên chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam khiến cả châu lục phải ngả mũ!

Nói như trên để thấy rõ trong thành công của U23 Việt Nam lúc này có công lớn từ bầu Đức, sau đó tới bầu Hiển và các ông bầu khác đã góp công đẩy mạnh đào tạo trẻ, thay vì “ăn xổi” như trước đây.

Nói như thế để thấy các lãnh đạo VFF, VPF vẫn phải nghiêm túc nhìn nhận lại năng lực quản lý của chính mình, thay vì nhìn vào thành công của U23 Việt Nam như một “chỗ dựa”, xóa đi những cấn cá trong suốt thời gian qua, mà minh chứng là chất lượng V.League vẫn rất kém!

U23 Việt Nam thành công lịch sử, đó thực sự là phong độ, là sự xuất thần của một lứa cầu thủ với tài năng của một HLV.

Nói như trong bóng đá thì một cá nhân (U23 Việt Nam, bầu Đức, bầu Hiển…) không thể tạo nên sức mạnh tập thể của một đội bóng (đồng hành, sát cánh, chỉ đạo xuyên suốt của mọi thành phần tham gia từ Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, VFF, VPF, các CLB, cầu thủ, Hội cổ động viên…).

Có như thế mới mong kỳ tích của U23 Việt Nam năm 2018 mới chỉ là “vô tiền”, chứ không “khoáng hậu”!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem