Bao giờ hết cảnh người dân "gồng mình" bù chéo tiền điện cho doanh nghiệp?

An Linh Chủ nhật, ngày 24/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Với đề xuất giá điện bán lẻ sinh hoạt được điều chỉnh 3 tháng/lần, tương đương 4 lần/năm; trong khi giá điện sản xuất rẻ hơn nhiều so với giá điện bình quân…, người dân dùng điện sinh hoạt vẫn phải gồng mình trả tiền thay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Bình luận 0

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định, Bộ Công Thương rút ngắn bậc điện từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Giá điện sản xuất vẫn thấp hơn nhiều giá điện bình quân

Các bậc thang 1-5 được tính theo lũy tiến, bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân 2.006,79 đồng một kWh. Giá điện bậc 1 (thấp nhất) giá duy trì 1.806 đồng một kWh cho 100 kWh đầu tiên và bậc điện 5 (cao nhất nhất) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá điện cho 100 kWh đầu tiên được giữ nguyên để hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình chính sách (gần 33,5% tổng số hộ dùng điện). Chênh lệch giảm doanh thu tiền điện của số hộ này sẽ được bù từ hộ dùng 401-700 kWh và trên 700 kWh. Tức là, giá điện các bậc cao (từ 400 kWh trở lên) được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp, theo Bộ Công Thương.

Bao giờ hết cảnh người dân "gồng mình" bù chéo tiền điện cho doanh nghiệp?- Ảnh 1.

Nhiều vấn đề của dự thảo Quyết định biểu giá điện đang được đưa ra, phân tích, mổ xẻ trước khi Thủ tướng cho ý kiến (Ảnh: EVN).

Các chính sách hỗ trợ tiền điện với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì, với mức hỗ trợ tiền điện tương đương mức sử dụng là 30 kWh.

Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Cùng đó, cách tính giá lũy tiến nhằm khuyến khích tiết kiệm điện, hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa, chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đang dấy lên lo ngại cho dư luận, và giới chuyên gia là hiện tượng bù chéo giá điện sinh hoạt cho điện sản xuất ngày càng gia tăng. Lo ngại này diễn ra trong bối cảnh giá điện bán lẻ sinh hoạt thay đổi nhanh chóng (năm 2023 có 2 lần điện bán lẻ được điều chỉnh); bên cạnh đó tại dự thảo Bộ Công Thương cũng đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần (tương đương năm 4 lần điều chỉnh tăng giảm giá điện).

Trong khi đó, giá điện điện phục vụ sản xuất, kinh doanh ít biến động, thay đổi giá. Nhiều lo ngại tình trạng bù chéo ngày càng gia tăng, không khuyến khích được doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhằm hạn chế tình trạng thâm dụng điện nặng nề; đi ngược lại chủ trương thu hút tiền tài, công nghệ sản xuất điện rẻ.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất gộp và bổ sung cấp điện áp cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh. Việc tính giá điện cho nhóm này sẽ không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện. Vì vậy, giá điện giờ bình thường sẽ bằng 78-90% giá bán lẻ điện bình quân; giờ thấp điểm sẽ bằng 52-67% giá bán lẻ điện bình quân và giờ cao điểm sẽ bằng 139-165% giá bán lẻ điện bình quân.

Bao giờ hết cảnh người dân "gồng mình" bù chéo tiền điện cho doanh nghiệp?- Ảnh 2.

Giá điện bán lẻ được đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc

Ngoài ra, nhóm cơ sở lưu trú du lịch được đề xuất áp giá điện của sản xuất, mức thấp hơn hiện tại. Thay đổi này nhằm khuyến khích cho ngành du lịch phát triển, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, phần doanh thu bị thiếu hụt này sẽ phải được bù đắp, nên cơ quan soạn thảo đang xem xét đề xuất bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất.

Góp ý vào vấn đề bù chéo giá điện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp.

Cơ quan này dẫn chứng điện cho sản xuất có thời điểm bằng 52% giá bình quân trong khi giá đối với hộ nghèo chính sách, ưu đãi lớn nhất cũng bằng 90% giá bình quân. Tương tự, vẫn còn tình trạng bù chéo giữa hộ dùng nhiều bù và sử dụng ít và giữa các vùng miền.

Khi nào hết cảnh giá điện sinh hoạt bù chéo cho giá sản xuất?

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn đang trả tiền điện bù cho sản xuất theo biểu giá mới. Trong khi đó, Việt Nam đang kêu gọi thu hút đầu tư xanh, công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng…

Bao giờ hết cảnh người dân "gồng mình" bù chéo tiền điện cho doanh nghiệp?- Ảnh 3.

Nếu tiếp diễn bù chéo điện cho sản xuất, khó khuyến khích được doanh nghiệp tự đổi mới công nghệ, khó thu hút tiền tài vào phát triển điện sạch (Ảnh: EVN)

Ông Long cho rằng, cần xem xét hiện tượng cơ cấu biểu giá điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Tránh tình trạng người dân sử dụng điện phải bù chéo cho sản xuất nhưng lại sử dụng công nghệ lạc hậu.

Cũng về vấn đề này, góp ý của Tổng Công ty Điện lực miền Trung nêu ra: Giá bán điện áp dụng cho sản xuất đang ở mức thấp so với giá bình quân chung, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, sử dụng điện hiệu quả. Đồng thời để giảm dần bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện, đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh tăng tỷ lệ phù hợp đối với nhóm này.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho rằng, một trong những mục tiêu của điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện là giảm dần hiện tượng bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, việc ghép các hộ tiêu thụ điện bậc 1 dưới 50kWh/tháng) và bậc 2 dưới 100 kWh/tháng thành 1 hộ tiêu thụ điện bậc 1 (100 kWh/tháng) trong cơ cấu biểu giá điện 5 bậc mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng mức giá cho bậc 1 lại đúng bằng với hộ tiêu thụ dưới 50kWh là không hợp lý, điều này càng làm cho việc bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện tăng lên, chứ không phải giảm đi theo mục tiêu đề ra.

Cùng ý kiến, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cần phải đảm bảo giá điện sinh hoạt không cao hơn giá điện cho sản xuất và dịch vụ du lịch, tức không lấy giá điện sinh hoạt để bù cho giá điện sản xuất và dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần mạnh dạn đưa "chi phí sử dụng" (thực chất là chi phí sử dụng công suất) vào các bậc thang của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như Hàn Quốc đang áp dụng.

Trả lời vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn này, khi nền kinh tế đang được hồi phục sau đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề xuất các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ở mức tối thiểu, một mặt vẫn bảo đảm giải quyết những vẫn đề cấp bách đặt ra, vừa không gây tác động quá lớn đối với người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương nêu: Cơ cấu biểu giá điện bán lẻ cải tiến đang được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua.

Giai đoạn 2 là trong các năm tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ Công Thương có xem xét việc áp dụng giá bán điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất kinh doanh điện của nhóm khách hàng sử dụng điện. Tương tự cũng thử nghiệm đề xuất giá bán điện 2 thành phần theo công suất và điện năng. Bộ Công Thương cho rằng điều này là để áp dụng cho khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp 110 kV trở lên để có đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng chính thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem