Bàn thờ tổ tiên trên đôi gánh người Việt đi mở đất

Nguyễn Huy Hoàng (từ Moscow) Thứ hai, ngày 19/02/2018 08:00 AM (GMT+7)
Kể từ năm 1981, Hiệp ước Hợp tác lao động hai nước Việt - Xô được ký kết, đa phần dân Nga đã quen với sự cuộc sống người Việt và những nghi lễ đặc sắc của người phương Đông, đặc biệt là cái tết đoàn tụ của người Việt Nam.
Bình luận 0

Hướng về cội nguồn

Có một nhà dân tộc học đã ví von rằng, nếu như người Chămpa vì một lý do nào đó rời đất đai của mình mà đi, thì dù ở phương trời nào, cứ đến ngày tết lại cố tìm về thờ cúng tại nơi chôn nhau cắt rốn; còn người Việt thì trên đôi gánh đi mở đất của mình luôn mang theo bàn thờ tiên tổ. Cứ cắm đất chỗ nào, thì việc đầu tiên của người Việt là lập ngay bàn thờ với hai bát hương, một thờ gia tộc, một thờ thần linh thổ địa. Chiểu vào cuộc sống của hàng chục ngàn người Việt ở Nga thì thiết nghĩ, ý kiến này hoàn toàn xác đáng.

img

Bàn thờ ngày tết ở Mông cổ. Ảnh: Lê Chiên

Tối 30 Tết, nhiều điểm ở Matxcơva, nhất là trên đồi Chim sẻ (đồi Lênin trước đây), ở Công viên Chiến thắng, Xokonnhiki, Tsarisino, Triển lãm thành tựu quốc dân, Lujnhiki... và hàng loạt công viên khác, pháo nổ rực trời. Quanh các khu nhà dân, hai, ba giờ sáng, tiếng pháo đùng vẫn đì đoàng không dứt. Một số năm do vấn đề an ninh, chính quyền Matxcơva chỉ quy định trên 200 điểm công cộng được đốt pháo.

Dù là ở ký túc xá, dù cư ngụ ở nhà riêng, hay tạm trú tại nhà thuê, có thể nói bất cứ gia đình người Việt Nam nào ở Nga cũng đặt bàn thờ. Ngày chuyển đến nơi ở mới, việc đầu tiên là bày lễ vật, hoa quả, cắm mấy nén hương cúng bái. Ngay cả sinh viên Việt ở chung phòng với sinh viên Tây cũng có một bát hương mua ở trong nước mang sang, có lúc khiêm tốn chỉ dùng một cốc thuỷ tinh đổ đầy gạo đặt trên nóc tủ, cắm ba nén hương bày hoa quả cúng ngày rằm, mồng một. Không ai bảo ai, không ai dạy ai, điều này đã trở thành tiềm thức sâu xa trong cõi tâm linh của người Việt.

Trong số xấp xỉ gần ba triệu người Việt đang sống rải rác trên hàng chục nước khắp địa cầu, những người Việt ở Nga do điều kiện riêng của nơi mình sinh sống, có những phương thức sinh hoạt và đặc điểm rất riêng.

Nói đến người Việt ở Nga là nói đến ốp. Ốp Xaliut 2, Xaliut 5, Xokol, Thuỷ Lợi, Sông Hồng, Đôm 14, An Đông, Rưbăc, Sài Gòn, Mekong… là những địa danh như tên làng, tên xóm ở Việt Nam. Ốp là chữ viết tắt đầu tiên bằng tiếng Nga trong từ Ký túc xá, nơi người Việt ở thời còn là công nhân theo diện hợp tác lao động. Hình thức rút gọn ngôn ngữ châu Âu này, chắc chắn về sau nhiều nhà ngữ văn sẽ khai thác và tìm ra những quy luật thú vị. Ví dụ: Lêningrat thì gọi là Len, Matxcơva thì gọi là Mat, Ulianôv thì gọi là Uli, Ekaterinburg thì gọi là Eka…, thế mà cả Tây, cả ta hầu hết đều hiểu, đều chấp nhận. Còn cái từ Ốp thì ngay cả những trí thức khó tính cũng coi đây là một danh từ, là một sản phẩm tuyệt hảo trong việc cải hoá ngữ ngôn người Việt.

Trước năm 2005, khi những ốp lớn có khoảng dăm, bảy trăm đến một ngàn rưỡi dân cư ngụ vẫn còn tồn tại thì tết trong các ốp tại Nga cứ như là tết ở làng quê Việt Nam vậy.

Mặc dù các ốp của người Việt tại Nga đã kết thúc hợp đồng, đóng cửa hầu hết; những ốp danh tiếng đã vĩnh viễn thành kỷ niệm, nhưng không khí tết vẫn giống như hồi còn làm ăn thịnh vượng. Hiện tại ở Matxcơva ngoài ốp Mekong mới mở, ba ốp cũ  Rưbac, Xirennhevưi bunva và An Đông còn tồn tại, còn có thêm chừng chín điểm Khu Ngoại giao đoàn thuê lại, tập trung tới hàng ngàn người Việt, nên không khí tết cũng chẳng khác gì lắm với thời xa vắng ấy. Sống co cụm là một nét văn hoá của người Việt, đặc biệt rõ đậm nhất là ở Nga.

Có tất cả chỉ thiếu tình thân

Cũng như người Việt ở các nước châu Âu khác, người Việt ở Nga hàng năm được đón hai cái tết, tết Tây và tết Ta. Ở Matxcơva, mỗi năm, cữ cuối tháng 11 dương lịch, không khí năm mới đã rộn rã lắm rồi. Trên hàng chục kênh truyền hình trực tiếp và truyền hình cáp, la liệt các chương trình quảng cáo hàng hoá, mỹ phẩm và những hình thức giải trí, đủ các lời chúc mừng hoa mỹ chuẩn bị đón xuân sang.

img

 Những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, tổ chức đón Tết Nguyên Đán theo phong tục cổ truyền.  Ảnh: Mạnh Dương

Giống như ở ta chơi đào, quất, gia đình người Nga nào cũng phải có cây thông. Tùy theo diện tích căn hộ, người Nga chọn mua cây thông về, đặt vào chỗ trang trọng nhất giữa nhà, trang trí đèn, hoa, quả, dây trang kim rực rỡ. Giao thừa đến, cả nhà tụ hội quanh bàn tiệc bên cây thông, mở sâmpanh, ăn uống và mở nhạc, chúc nhau những lời đẹp nhất.

 Trong hàng loạt văn bản của thành phố Matxcơva vào dịp cuối năm, bao giờ cũng có một công văn chỉ thị cho các công sở, trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại… phải tổ chức chu đáo việc vệ sinh và trang trí để đón năm mới.

Dĩ nhiên là các ốp Việt Nam “nhập gia tùy tục”, cũng đều chuẩn bị cây thông, đèn màu treo quanh các logo và bảng hiệu. Tuy nhiên khó mà sánh được với sự trang trí bài bản tại các công sở của Nga. Trên các đường phố, quảng trường, công viên, bến bãi, các tụ điểm văn hoá ở Matxcơva quang cảnh cực kỳ lộng lẫy.

Các ốp có đông người Việt sinh sống như An Đông, Rưbăc, Mekong, năm nào cũng như năm nào, sinh hoạt văn nghệ “cây nhà, lá vườn” là điều không thể thiếu. Những buổi liên hoan này được tổ chức ngay sau giao thừa hai tiếng, tức là khoảng mười giờ tối giờ địa phương, bởi vì giờ mùa đông ở Nga chênh với Hà Nội bốn giờ. Đầu tiên là màn chúc tết của ban quản trị, tiếp theo là những trò vui, tặng quà cho trẻ con trong ốp.

 Tuy ở Tây mà người Việt vẫn lấy múi giờ ta đón giao thừa, ngay điểm này cũng đã đủ nói lên sự thừa nhận vô điều kiện, bất chấp quy luật không gian và thời gian vũ trụ của người Việt ở nước ngoài, hướng tới cái thiêng liêng bất di, bất dịch của cha ông sâu sắc đến nhường nào!

Vào 8 giờ tối, mọi gia đình ở ngoài phố, hay ở trong ốp đều bày mâm, thắp hương đón giao thừa. Mỗi ốp thường có tới cả dăm trăm đến một ngàn con người cư ngụ, nhưng ngoài hành lang im phăng phắc, chỉ có khói hương trầm lan toả. Vào thời khắc này, lòng mọi người đều hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn; hướng về mảnh đất thân yêu cách xa gần chục ngàn cây số, nơi đó có những người ruột thịt, có làng nước, bà con. Ở bên này có đủ tất cả lễ nghi, vật chất, nhưng làm sao có được cảnh quây quần, ấm cúng của không khí gia đình.

Dư âm của ngày tết còn kéo dài cho đến tận rằm tháng Giêng, thậm chí đến đầu tháng Hai, khi những người về đón xuân từ trong nước sang, gặp gỡ nhau người ta vẫn còn tặng quà, lì xì và chúc tụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem