Bán tháo nhà cửa, vườn tược chỉ vì...hút thuốc

Diệu Linh Thứ hai, ngày 13/07/2015 08:49 AM (GMT+7)
Chỉ từ điếu thuốc lá vài nghìn đồng nhưng nhiều người đã “đốt” hết cả một phần thu nhập của mình. Không ít người còn phải bán tháo nhà cửa, vườn tược để điều trị bệnh do thuốc lá mang lại. Sức lao động cạn kiệt, nhà tan, vợ con nheo nhóc nhưng bệnh vẫn không khỏi.
Bình luận 0

Nhịn ăn hút thuốc

Anh Nguyễn Văn Thịnh (35 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình) lên Hà Nội làm phu hồ. Lúc nào có việc, thu nhập mỗi tháng của anh Thịnh cũng được 3-4 triệu đồng. Số tiền đó có khi là thu nhập của cả năm lao động quần quật trên đồng ruộng của cả nhà anh Thịnh. Tiền kiếm được, anh gửi gần hết về gia đình để nuôi sống gia đình 5 người gồm 2 cha mẹ già, vợ và 4 con. Anh chỉ giữ lại gần 1 triệu đồng, đủ để thuê nhà trọ và ăn uống tằn tiện và mua thuốc lá. Nhưng công việc không đều, những lúc ngồi trong nhà trọ chờ việc, anh Thịnh chỉ dám sống “cầm hơi” bằng ổ bánh mì hoặc suất cơm bụi 5.000-6.000 đồng.

img
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 3 từ trái sang) và lãnh đạo một số bộ, ngành cùng đi bộ để hưởng ứng phong trào phòng chống tác hại thuốc lá.    Ảnh:  Diệu Linh

Tuy có thể nhịn ăn nhưng anh Thịnh lại không thể nhịn hút thuốc. Nhà anh có “truyền thống” hút thuốc. Từ ông, đến bố, các anh trai đều hút thuốc lá nên anh Thịnh cũng rít chơi vài điếu, lâu dần thành nghiện. Đương nhiên, nhà nghèo, anh Thịnh cũng chỉ dám hút các loại thuốc rẻ tiền, nhưng mỗi ngày một vài bao cũng hết trên dưới 10.000 đồng.

“Công việc nặng nhọc, mệt mỏi, tôi hút cho hứng phấn hơn. Lúc nhớ nhà, nhớ vợ con, tôi hút cho khuây khỏa. Mà lúc không có việc, buồn chán tôi lại càng phải hút cho đỡ nghĩ ngợi. Những lúc tiền túi chỉ còn vài nghìn, tôi nhịn cơm, mua thuốc lá hút. Biết là không đúng nhưng thiếu thuốc đã buồn chán lại càng buồn chán hơn” – anh Thịnh cho biết. Lâu dần, nghiện hơn nữa, anh Thịnh bớt cả tiền gửi về gia đình cho con ăn học để mua thuốc lá hút.

Theo nghiên cứu, mỗi năm, trung bình một người hút thuốc ở Việt Nam chi khoảng 700.000 đồng cho thuốc lá. Hiện nay, theo báo cáo, mỗi năm người Việt chi khoảng 22.000 tỷ để “đốt” cho thuốc lá. Số tiền này, theo tính toán có thể mua lương thực để nuôi sống hơn 10 triệu người mỗi năm.

Bán nhà trị bệnh

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc văn phòng Health Bridge Canada tại Việt Nam cho biết: “Điều đáng nói là người càng nghèo thì hút thuốc càng nhiều. Ngoài ra vì kinh tế hạn hẹp nên họ càng mua thuốc lá rẻ tiền, độc hại hơn, điều đó cũng có nghĩa nguy cơ bệnh tật cao hơn. Cũng vì nghèo, khi có bệnh họ lại lần lữa không đi khám, bệnh nặng hơn, chi phí điều trị lớn hơn, thậm chí nguy cơ bị tàn tật, bị mất sức lao động hoặc tử vong cũng cao hơn. Đó là vòng luẩn quẩn của người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Chỉ vì điếu thuốc mà đốt cháy cả tài sản gia đình, đốt cả sức khỏe, cả tính mạng mình”.

Hút thuốc lá 22 năm, đến ngày anh Trần Quang Đức (39 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) ngã gục trên cửa nhà mình vì bệnh đột quỵ - bệnh của người già. Bác sĩ cho biết, anh mạch máu của anh sớm bị xơ vữa, gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ, nguyên nhân do anh hút thuốc lá quá nhiều (30 điếu/ngày).

Theo các bác sĩ, một người khỏe mạnh, không hút thuốc thì mạch máu đến lúc 50-60 tuổi mới có nguy cơ xơ vữa, gây tắc động mạch. Nhưng vì anh Đức nghiện thuốc lá nặng, khí CO trong khói thuốc lá khi được hấp thụ vào máu làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ các bệnh tim, đột quỵ.

Kinh tế khó khăn, chưa mua được thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình anh Đức phải chi trả toàn bộ viện phí hết hơn 40 triệu đồng. Gia đình phải bán cả mảnh vườn mới đủ tiền trả. Nhưng anh Đức còn bị liệt nửa người. Bác sĩ cho biết, để phục hồi, gia đình còn phải chạy chữa lâu dài, khó có thể tính trước được tốn kém.

Đã mất sức lao động, không kiếm được tiền, giờ đây, anh Đức còn phải nhờ cậy vào vợ con. Không đành lòng nhìn chồng chưa đầy 40 tuổi đã liệt, vợ anh dự định bán nốt căn nhà để lấy tiền chạy chữa cho chồng.

“Tôi đã khuyên anh ấy bỏ thuốc lá nhiều lần nhưng anh ấy không nghe. Còn nói chỉ tốn vài nghìn mà thấy vui vẻ, khỏe khoắn để làm việc thì tiếc gì. Nào ngờ. Nếu anh ấy biết anh ấy đã “đốt” hết cả nhà, cả vườn, cả sức khỏe của mình thì chắc đã bỏ thuốc sớm rồi” – chị Nga, vợ anh Đức thở dài.

Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu về gánh nặng kinh tế của nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát trên 3.100 bệnh nhân nội trú tại 13 bệnh viện công ở tuyến T.Ư, tỉnh, huyện.

Các bệnh được khảo sát bao gồm bệnh ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ. Đây là 5 bệnh có liên quan nhiều nhất đến thuốc lá, chiếm 75% số ca tử vong do thuốc lá ở Việt Nam.

Kết quả cho thấy chi phí y tế trực tiếp trung bình cho 1 đợt điều trị của ung thư phổi là hơn 54 triệu đồng; bệnh tim thiếu máu cục bộ là hơn 50 triệu đồng, còn bệnh đột quỵ mất gần 10 triệu đồng, COPD mất gần 7 triệu đồng, bệnh ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên là hơn 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí điều trị trung bình ngoại trú của các bệnh này tương đương là 21 triệu, 4,8 triệu, 4 triệu, 2,2 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tính sơ bộ, chi phí y tế do hút thuốc ở Việt Nam năm 2011 đã 24.679 tỷ đồng, chiếm 0,97% GDP. Số tiền này cao gấp 1,8 lần so với mức đóng góp từ thuế của các doanh nghiệp thuốc lá năm 2011 (13.598 tỷ đồng).

Chi phí gián tiếp chiếm 49,5% tổng chi phí khám chữa 5 loại bệnh này. Chính phủ gánh chịu khoảng 36% các chi phí trực tiếp, chiếm khoảng 5,76% ngân sách chi cho y tế năm 2011. Như vậy, số tiền mà người bệnh phải bỏ ra là rất lớn.

Theo bà Hoàng Anh, nghiên cứu này cũng chưa để cập đến chi phí do hút thuốc thụ động và chi phí tự điều trị. Ngoài ra, nghiên cứu chưa tính được những thiệt hại về kinh tế do người bệnh mất sức lao động, không thể đi làm việc được. Trên thực tế, chi phí cho mỗi loại bệnh đó còn cao hơn nhiều.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): “Người dân chỉ nhìn thấy những chi phí nho nhỏ, hút thuốc lá cho vui vẻ, thuốc lào cho thơm miệng mà chỉ mất vài đồng bạc lẻ là quá rẻ. Nhưng đến khi bị bệnh nặng, ngoài chi phí y tế lại mất sức lao động, kinh tế trong nhà chỉ mất mà không được. Đến lúc đó hối hận thì đã muộn”.

Hút 1 điếu thuốc - mất 5,5 phút cuộc sống

Khảo sát và tìm ra được rằng tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm, tức là khi hút 1 điếu thuốc tự ta đã làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. 
      (Tài liệu của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem