Bản quyền truyền hình ở Việt Nam: Lỗi tại... đặc thù?

Thứ bảy, ngày 13/05/2017 19:06 PM (GMT+7)
Ở các nước châu Á nói chung, bản quyền truyền hình thể thao luôn có giá trị cực lớn. Nó có thể ví như viên kim cương đính trên vương miện.
Bình luận 0

Bản quyền có giá trị, nhưng đổi lại, người sở hữu nó sẽ gặp phải những vấn đề trong việc duy trì, nắm giữ và tận dụng tiềm lực có thể. Và dĩ nhiên, đi kèm với việc đó là công cuộc ngăn chặn sự xâm phạm bản quyền quý giá.

img

Nhìn vào trường hợp của VTVCab bị bên phía đơn vị chủ quản bán Champions League là KJSM ngắt quyền phát sóng, đây sẽ là một ví dụ kinh điển về thị trường truyền hình Việt Nam, với những khán giả, hệ thống nhà đài và đối tác làm việc đặc thù.

Khán giả có lỗi hay không?

Nguyên tắc bảo hộ bản quyền truyền hình thể thao nói riêng và truyền hình nói chung được dựa theo công ước Rome năm 1961: Tổ chức phát sóng có quyền cho phép/ngăn chặn các hành vi tiếp sóng, tái sản xuất và phát tán trái phép sóng. Áp dụng vào trường hợp của VTVCab, về lý thuyết họ có quyền cho phép đài khác tiếp sóng tường thuật các trận đấu và highlights trận đấu thuộc khuôn khổ Champions League (trường hợp này là VTV); cũng như toàn quyền được phép ngăn chặn các hành vi tràn sóng đối với sản phẩm Champions League đang phân phối.

img

Dù có bỏ tiền lắp cả VTVCab lẫn K+ thì các khán giả Việt Nam cũng không thể xem chung kết Champions League và Europa League.

Thêm nữa, để đảm bảo tính độc quyền trên khu vực lãnh thổ, người phân phối sóng (ở đây là VTVCab) phải đảm bảo việc triệt tiêu các khả năng tràn sóng ra khỏi Việt Nam. Sopcast/Acestream là sóng của các đài truyền hình nước ngoài bị lọt ra khỏi ranh giới lãnh thổ. Vì thế, chắc chắn Sopcast/Acestream là bất hợp pháp.

Và ở châu Âu, các đài truyền hình đã có những bước đầu tiên về mặt pháp lý để ngăn chặn tiếp cận các nguồn sóng vi phạm. Ở Anh, các khán giả xem lậu thường sử dụng ‘Kodi Box’ – những thiết bị có ứng dụng Kodi và có thể cài đặt các thiết lập để truy cập vào Acestream nhằm xem các trận đấu Premier League. Hoạt động này gây tổn hại nặng nề tới nền công nghiệp bóng đá tại Anh, nhất là những trận ở khung 3h chiều thứ Bảy (tương đương khung 9-10h tối giờ Việt Nam). Những trận đấu này không được phát trực tiếp trên truyền hình để bảo hộ hoạt động đến sân trực tiếp xem bóng đá. Các nhà mạng kiêm nhà phân phối bản quyền truyền hình ở Anh như Sky, BT, Virgin Media và TalkTalk sẽ phải chặn các khách hàng truy cập add-on từ Kodi, hay những nguồn kênh tương tự như Sopcast hay Acestream trên máy tính.

img

Các trận đấu vào 3h chiều thứ Bảy của Premier League không được phát trực tiếp trên truyền hình.

Dĩ nhiên, cuộc chiến bản quyền giờ ngày càng chuyển dịch nhanh chóng về luật và ngày càng trở thành một cuộc “mèo đuổi chuột” đối với các kênh phân phối. Song, những chú chuột xem lậu có vẻ như đang thắng thế. Ở Việt Nam, khi hệ thống truyền hình chủ yếu là các đường cáp cũ kĩ và tính bảo mật thấp (chỉ có K+ là truyền dẫn vệ tinh), vấn đề ngăn chặn tiếp cận sóng từ bên ngoài lãnh thổ là vô cùng khó khăn.

Lỗi vẫn tại "đặc thù"

“Đặc thù” là một từ có thể dùng cho nhiều ngành nghề trên lãnh thổ Việt Nam và truyền hình không phải là ngoại lệ. Đặc thù đến từ tính chất phi độc lập của các đài truyền hình khi họ đều có sự can thiệp và ảnh hưởng của VTV. Đặc thù từ tư duy thiếu tôn trọng bản quyền đến từ tất cả các bên: nhà đài, các kênh thông tấn báo chí cũng như các nguồn truyền phát không chính thống (các website, fanpage).

img

Đây không phải là lần đầu tiên VTVCab phát thông cáo báo chí về việc bị xâm phạm đến bản quyền. Các vi phạm mà họ đưa ra được chia ra làm hai dạng chính – bản quyền truyền dẫn tín hiệu (stream lậu, tràn sóng) và các nguồn nội dung highlights được đăng tải trên các báo mạng. Thế nhưng, với thông cáo báo chí đầu tiên đưa đến các báo và VTVCab cũng đã hạn chế khá tốt các nguồn kênh online stream lậu trên mạng. Chỉ còn một nguyên căn có thể cho khả năng vi phạm – việc chia sẻ và phát quảng bá cho các sản phẩm, ứng dụng của “đối tác người nhà” VTV. Tuy một mà hai, tuy hai mà một, biết xử lí thế nào bây giờ?

Đó là còn chưa kể đến sự bí hiểm của đối tác KJ Sports & Media, đơn vị bán bản quyền truyền hình Champions League cho VTVCab. Trong khi các đơn vị nắm bản quyền truyền hình Champions League năm 2017 tại Đông Nam Á hầu như đều là những đơn vị thông tấn có tiếng tăm trên toàn cầu: Eurosport (Singapore), Fox Sport ( Thái Lan, Lào và Campuchia), beIN Sports (Indonesia)… thì thông tin về KJ Sports & Media đúng là “mông lung như một trò đùa” .

img

LinkedIn của sếp KJSM - Joy Yang không có thông tin liên hệ nào cả. Công ty này cũng không có trang LinkedIn riêng. Cố gắng lắm, người viết mới phát hiện ra họ chỉ có 12 nhân viên, văn phòng trụ sở đặt ở Bắc Mĩ nhưng server lại ở… Israel. Họ từng thắng thầu Premier League 2013 ở Phillipines và Đài Bắc Trung Hoa nhưng rồi cũng bặt vô âm tín.

Và với một công ty thiếu thông tin và mù mờ đến vậy, VTVCab vẫn hai lần mất bản quyền vì các vấn đề pháp lý bất khả kháng; thì có lẽ cũng chỉ biết tặc lưỡi than về tính “đặc thù” của truyền hình Việt Nam.

Lý Thái Hoàng Dương (Goal/vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem