Kênh “chết”, dân cũng héo mòn

Thanh Tuấn Thứ năm, ngày 27/07/2017 06:25 AM (GMT+7)
Sau kênh Ba Bò, kênh 19.5 được xem là một trong những con kênh có mức độ ô nhiễm nặng nề nhất ở TP.HCM. Gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân của hai quận Bình Tân và Tân Phú phải sống chung với đủ mùi hôi và dịch bệnh đe dọa.
Bình luận 0

Kênh “chết”

Dòng kênh 19.5 có chiều dài hơn 2,2km chảy qua địa bàn của quận Bình Tân và Tân Phú, sau đó đổ ra kênh Tham Lương. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, dòng kênh đã không còn chảy, bởi rác thải, lục bình trôi dạt ngăn dòng. Cùng với đó, nước thải nhà máy từ các khu công nghiệp (KCN), các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đã khiến con kênh đổi màu nước đen hôi thối.

img

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống chung với mùi hôi và dịch bệnh đe dọa.  Ảnh: T.T

Được biết, các dòng kênh ô nhiễm nặng trên địa bàn TP.HCM sau khi được khảo sát, đánh giá sẽ được cấp ngân sách nhà nước để trả chi phí nạo vét, làm sạch. Trước đó, kênh Ba Bò (giáp ranh TP.HCM và Bình Dương) cũng ô nhiễm nặng bởi nước thải KCN, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, dù ngân sách rót vào hơn 1.000 tỷ đồng, trong hơn 10 năm qua, dòng kênh vẫn hôi thối khiến cử tri bức xúc. 

Vừa qua, chúng tôi đi dọc con kênh này, không ít lần suýt... ngộp thở vì mùi hôi thối quá mức chịu đựng. Đặc biệt, khúc kênh đoạn gần chợ kênh 19.5, mật độ nhà dân đông đúc, rác thải, nước sinh hoạt từ khu chợ xả ra làm dòng kênh lềnh bềnh rác và xác động vật chết.

Bà Trần Thị Lệ (64 tuổi) một người dân phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho biết, ngày trước dòng kênh này còn trong sạch, có cá sống được. Còn bây giờ, mỗi lần gió thổi qua thì mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi, khổ sở nhất là vào khi trời nắng gắt. Còn trời đổ mưa thì nước kênh dâng cao, ruồi muỗi, dịch bọ gậy tấn công nhà dân. “Tháng nào nhân viên y tế phường cũng về xịt thuốc chống sốt xuất huyết, dịch bệnh Zika... nhưng người dân vẫn lo ngại ổ bệnh bùng phát” - bà Lệ nói.

Mặc dù chính quyền phường đã tổ chức cắm biển cấm đổ rác nhiều nơi, xử phạt nặng nhưng dọc đường bờ kênh, nhiều đoạn ùn ứ rác. Anh Nguyễn Duy Trung (20 tuổi) cho hay, dòng kênh “chết” một phần cũng do ý thức vệ sinh môi trường của người dân. Họ lợi dụng đêm tối đổ rác thải, xà bần ngay bên vệ đường. Đường kênh nhỏ hẹp, xe thu gom rác của dịch vụ công ích không vào được, “núi” rác thu hút ruồi nhặng, mùi thối lan khắp khu dân cư.

Xót xa trước sự ô nhiễm trầm trọng của kênh 19.5, anh Nguyễn Văn Lực (39 tuổi), người dân phường Tây Thạnh, quận Tân Phú bức xúc: “Con kênh từng được ví như... chiếc máy điều hòa của dân cư. Khi triều dâng ngập, kênh giúp thoát nước mau chóng. Mùa nắng nóng, hơi nước từ con kênh bốc lên giúp cư dân “giải nhiệt”. Tuy nhiên, giờ thì nó là nguồn có nguy cơ gây bệnh tật cho tất cả mọi người.

Khó làm kênh... sống lại !

img

Nạo vét để khơi dòng chảy cho kênh “chết” 19.5.  Ảnh: T.T

Dòng kênh “chết” một phần cũng do ý thức vệ sinh môi trường của người dân. Họ lợi dụng đêm tối đổ rác thải, xà bần ngay bên vệ đường”.

Anh Nguyễn Duy Trung

Mặc dù UBND 2 quận Bình Tân và Tân Phú đã có nhiều nỗ lực để làm trong sạch lại dòng kênh nhưng rất khó khả thi. Ở gần đầu nguồn con kênh, những chiếc máy múc cỡ lớn thường xuyên túc trực để nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đội vệ sinh môi trường phường trực tiếp lội bùn ngập đầu gối, xuống kênh để mò vớt rác thải. Anh Long (21 tuổi) nói: “Dòng kênh này không khác bãi chứa, người ta vứt đổ xuống bất kỳ thứ gì có thể. Từ tấm kiếng vỡ, lốp xe, sắt thép... tất cả đều góp phần ngăn nước kênh chảy đi. Chúng tôi làm liên tục cả tuần dưới kênh bẩn mà chưa hết việc”.

Trao đổi với Báo NTNN, ông Phan Thanh Phong - Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (quận Bình Tân) thông tin: “Thời gian qua, đơn vị thường xuyên tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh ô nhiễm. Về dòng kênh 19.5, nguồn ô nhiễm chủ yếu do rác thải, tác động của quá trình đô thị hóa, dân số tăng lên nhanh chóng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi tiếp nhận phản ánh, sau đó sẽ khoanh vùng, theo dõi các địa chỉ có thể gây ra ô nhiễm để xử lý”. 

Theo ông Phong, mặc dù dòng kênh 19.5 nằm gần hai KCN lớn của thành phố là Tân Bình và Tân Tạo, nhưng loại trừ nguyên nhân gây ô nhiễm từ hai KCN này vì dưới sự quản lý, giám sát của Ban quản lý các khu chế xuất - KCN TP.HCM (Hepza), khả năng xả thải vượt chỉ tiêu cho phép là điều khó xảy ra. Hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN được quan trắc tự động, truyền dữ liệu thường xuyên về Hepza. Nếu xảy ra sự cố gì ngoài tầm kiểm soát, cơ quan chức năng nắm bắt được ngay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem