Đổi 100USD bị phạt 90 triệu: Ít hay nhiều cũng bị phạt như nhau?

Đình Việt Thứ tư, ngày 24/10/2018 07:27 AM (GMT+7)
Luật sư cho biết, căn cứ về mặt pháp luật, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Rê là không sai nhưng cứng nhắc.
Bình luận 0

Ngày 23.10, UBND TP Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.

Với tiệm vàng, UBND TP Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

img

Ra tiệm vàng đổi 100 USD sang tiền Việt, ông Rê bị UBND TP Cần Thơ phạt 90 triệu đồng. Ảnh minh họa

Ông Rê cho biết 100 USD là tiền của người thân gửi cho. Cuối năm 2017, ông mang đến tiệm vàng đổi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 13.8, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm.

Bình luận về vụ việc này, nhiều bạn đọc cho rằng, việc UBND TP Cần Thơ xử phạt tiệm vàng số tiền 295 triệu đồng là có cơ sở vì cửa hàng này tự ý nhận đổi ngoại tệ khi chưa có giấy phép.

Còn đối với trường hợp của ông Rê bị phạt tới 90 triệu đồng, nhiều bạn đọc đặt cho rằng mức phạt là quá nặng.

"Tôi tìm hiểu được biết, UBND TP Cần Thơ xử phạt là căn cứ vào Nghị định 96 nhưng đối với trường hợp ông Rê, tôi nghĩ việc tịch thu tang vật là 100 USD đã đủ tính răn đe, nếu xử phạt 90 là quá nặng, một người có thu nhập thấp như ông ấy là ngoài khả năng.

Thêm nữa, tôi nghĩ ông Rê chắc chắn không biết tiệm vàng trên có được cấp phép thu đổi ngoại tệ hay không. Khi đến giao dịch ông này cũng không thể yêu cầu tiệm vàng cung cấp giấy phép được. Đây chính là điều bất cập, vì vậy, Nghị định 96 cần được sửa đổi, bổ sung để sát với thực tiễn", bạn đọc Kiều Thuận bình luận.

Cũng phân tích về vụ việc này,  luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc trao đổi, mua bán ngoại tệ, người dân phải thực hiện theo những quy định đã được ban hành.

Cụ thể đó là: Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH ngày 13.12.2005; Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29.8.2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép quy định địa điểm mua, bán ngoại tệ.

img

Quyết định xử phạt ông Rê. Ảnh: Dân Việt

Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế quy định Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.

Như vậy, chiếu theo quy định trên, việc quản lý của Nhà nước về hoạt động đổi ngoại tệ của công dân là rất chặt chẽ, chỉ được thực hiện trong các mạng lưới của tổ chức tín dụng và các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng.

Tổ chức tín dụng ở đây được hiểu là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.

Hay như tại điểm a, khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: “Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng  hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm theo điểm a, khoản 8 Điều 24.

Như vậy, theo luật sư Thơm, căn cứ về mặt pháp luật, UBND TP Cần Thơ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê là không sai.

Bởi trong quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân bán ngoại tệ cho tổ chức không được phép đổi ngoại tệ thì không có quy định về số lượng ngoại tệ bán ra nhiều hay ít đều bị xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, xét về thực tế, ông Nguyễn Cà Rê chỉ bán ra cho cửa hàng 100 USD là chưa nghiêm trọng nên xử phạt lên đến hơn 40 lần tang vật vi phạm là quá nghiêm khắc.

Vị này phân tích, luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định tại Điều 21 các hình thức xử phạt hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền (hình phạt chính).

Trong đó, hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Do đó, theo quan điểm của luật sư, trong trường hợp đối với anh Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD chỉ cần xử phạt hành chính cảnh cáo và tịch thu tang vật (100USD – PV) là có căn cứ, phù hợp với thực tế trong sự việc này.

“Ở đây, chúng ta chỉ cần xử phạt các cửa hàng thu đổi ngoại tệ không được phép. Bởi lẽ, các cửa hành kinh doanh vàng bạc này khi thành lập đều có ý thức rõ việc mua bán ngoại tệ là trái phép nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật nên cần thiết phải xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nói.

Mặt khác, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, qua vụ việc này thấy có những bất cập về mặt xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP đối với hành vi cá nhân bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Cần cụ thể hóa số ngoại tệ bán theo giá trị để làm căn cứ xử phạt. Nếu trường hợp nếu bán 5 – 10 USD mà vẫn bị xử phạt từ 80 – 100 triệu thì không hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem