Dịch Covid-19: Cơ chế xử phạt người không đeo khẩu trang?

Hiếu Đam Chủ nhật, ngày 29/03/2020 09:16 AM (GMT+7)
Nhiều trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong dịch Covid-19 đã bị xử phạt. Người đi bộ không đeo khẩu trang nơi công cộng hay cả người đi xe đạp, xe máy, ô tô không đeo khẩu trang cũng bị xử phạt?
Bình luận 0

Không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt

Ngày 27/3, tại trụ sở Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) của phường Hàng Trống đã lập hồ sơ xử phạt một trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Theo đó, chị Đ.T.T. (trú tại phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống) đã không đeo khẩu trang khi ra ngoài khu vực công cộng, nơi có đông người.

Cơ chế nào xử phạt người không đeo khẩu trang? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng làm việc với người phụ nữ không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Hành vi của chị T. đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong bối cảnh cả nước đang chung tay nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19.

Ban chỉ đạo đã tham mưu UBND phường ra quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp trên mức phạt là 200 nghìn đồng.

Tiếp đó, sáng 28/3, lực lượng chức năng phường Trúc Bạch (Hà Nội) trong quá trình tuần tra kiểm soát tại phố Trấn Vũ đã phát hiện các trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, gồm: anh T.S.B. (trú tại tỉnh Nam Định), anh T.Đ.C. (trú ở quận Long Biên), T.H.T. (trú ở quận Đống Đa). Hành vi của các trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Lực lượng chức năng phường Trúc Bạch đã ban hành 3 quyết định xử phạt với mức 200.000 đồng/trường hợp

Cơ chế nào xử phạt người không đeo khẩu trang? - Ảnh 2.

Thêm nhiều trường hợp bị xử phạt vì không đeo khẩu trang. Ảnh: TP.

Trong quá trình xử phạt, phường đã kết hợp tuyên truyền, vận động và phát khẩu trang miễn phí cho người dân vi phạm. Các trường hợp vi phạm đã tự giác chấp hành biện pháp xử lý.

Cơ chế nào để xử phạt?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, đối chiếu quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này.

"Điều khoản này nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Cơ chế nào xử phạt người không đeo khẩu trang? - Ảnh 3.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A", luật sư Tuấn cho biết.

Theo vị luật sư, đây là quy định của Chính Phủ, bắt buộc người dân phải tuân thủ. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được nêu trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

"Hình thức chế tài có thể là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, theo khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thẩm quyền xử phạt có thể là thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường", luật sư Tuấn phân tích.

Theo vị luật sư, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể được hiểu khi một người dù đi bộ hay sử dụng phương tiện giao thông, ở trên phương tiện giao thông có khả năng tiếp xúc với nhiều người khác nhưng không sử dụng khẩu trang. 

"Người dân nên tuân thủ nghiêm túc quy định đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đi đến nơi công cộng để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh trong dịch Covid-19" - luật sư Tuấn cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem