"Chính sách hình sự đặc biệt" cho ông Phạm Nhật Vũ, được hiểu thế nào?

Yến Linh Thứ tư, ngày 04/09/2019 17:33 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi lượng hình đối với bị can Phạm Nhật Vũ trong vụ án AVG liên quan đến các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn. "Chính sách hình sự đặc biệt" này được áp dụng như thế nào?
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, trong vụ án AVG bị can Phạm Nhật Vũ được đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt (đặc biệt được hiểu là khác với thông thường, trong trường hợp này mang ý nghĩa tích cực, có lợi cho bị can). Bởi trong quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.

Bị can Phạm Nhật Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước nước.

Về lý lịch, gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, bị can có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn... và các hoạt động an sinh xã hội khác.

Trao đổi với Dân Việt về "chính sách hình sự đặc biệt", luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Chính sách hình sự là những tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có chính sách hình sự đặc biệt cho từng người”.

img

Bị can Phạm Nhật Vũ (ảnh Bộ Công an).

Luật sư viện dẫn, tại Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

- Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;

- Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;

- Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

- Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

- Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

Theo luật sư, việc quyết định hình phạt thuộc thẩm quyền của tòa án trong quá trình xét xử vụ án có đủ căn cứ để kết tội đối với bị cáo. Căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại điều 50 Bộ luật hình sự (BLHS) như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Khi lượng hình, trong vụ án có đồng phạm phải thực hiện nguyên tắc cá biệt hóa vai trò đồng phạm căn cứ vào yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi của từng bị cáo. Đó là “Nghiêm trị với người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “Nghiêm trị với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội”.

Bên cạnh đó, pháp luật hình sự Việt Nam thể luôn hiện hai đặc tính cơ bản là nghiêm trị và nhân đạo. Trong vụ án này, CQĐT kiến nghị viện kiểm sát truy tố để toà án xét xử các bị can. Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra cũng có thể đề nghị tòa án xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo đối với một hoặc một số bị cáo nào đó nếu có căn cứ cho rằng có bị can nào đó xứng đáng được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị của CQĐT chưa phải là quyết định cuối cùng của vụ án. Để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi thế nào, đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào khi lượng hình thì thẩm quyền thuộc về tòa án trong quá trình xét xử, theo kết quả tranh tụng tại phiên toà.

"Bởi vậy, trong vụ án này nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa cho thấy ông Phạm Nhật Vũ được đánh giá là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả..., ngoài ra còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác theo quy định tại điều 51 Bộ luật hình sự thì căn cứ vào quy định tại điều 3, điều 50, điều 51 và Điều 54 BLHS tòa án sẽ quyết định một hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, với nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên việc quyết định hình phạt cụ thể như thế nào vẫn phải căn cứ theo nguyên tắc quy định tại điều 50 và Điều 54 BLHS, theo đó trước tiên phải căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự" - luật sư Cường cho biết.

Hiện ông Phạm Nhật Vũ đang bị cáo buộc phạm tội đưa hối lộ theo quy định tại khoản 4, điều 364 BLHS với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù. Nếu ông Vũ có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1, Điều 51 BLHS thì có thể được Toà án áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 54 BLHS để xét xử ở dưới mức thấp nhất ở khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 364, BLHS - nghĩa là sẽ xét xử dưới 12 năm nhưng phải ở trong khung ở khoản 3 điều 364 BLHS là từ 7 đến 12 năm.

"Theo đó dù tòa án có kết luận ông Vũ thuộc trường hợp “đặc biệt” thế nào chăng nữa thì cũng không xét xử dưới 7 năm tù theo nguyên tắc nêu trên" - ông Cường cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem