"Áp lực" liền đánh nhà báo, vậy với dân thì sao?

Trần Ngọc Thọ Thứ bảy, ngày 24/09/2016 15:17 PM (GMT+7)
Nhà báo - những người mang theo sứ mệnh truyền tải sự thật lại bị hành hung, đấm đá một cách thô bạo, lý do đơn giản chỉ là "áp lực" trong khi làm việc tại hiện trường đông người. Nghe câu chuyện này, không chỉ tôi, mà chắc nhiều người chợt giật mình tự hỏi: Nhà báo đi làm nhiệm vụ còn thế, dân chúng tôi "lớ xớ" quanh đó liệu có bị "ăn đòn" không?
Bình luận 0

Hình ảnh phóng viên Đỗ Thanh Hải của báo điện tử VTC News và hình ảnh phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ TP.HCM tràn ngập trên các trang báo, youtube và mạng xã hội trong mấy ngày qua với bộ dạng nhỏ hoắt bị cả nhóm công an to cao, trang bị kỹ càng dồn ép, dọa nạt, đánh đấm làm tôi đau nhói.

Cụ thể, sáng ngày 21.9, anh Đỗ Thanh Hải cùng một số phóng viên đến xã Cư Kpô, huyện Krông Búk (Đăk Lăk) để theo dõi, đưa tin về việc cưỡng chế lấy mặt bằng xây dựng Nhà văn hóa thôn Nam Tân. Khi anh Hải gặp ông Nguyễn Viết Mùi - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kpô để trình bày thủ tục và xin phép tác nghiệp thì không hiểu tại sao ông Phó chủ tịch Mùi dùng loa cầm tay lớn tiếng gọi công an xã đến “gô cổ, thu ngay máy ảnh của nó” với anh Hải.

img

Phóng viên Hải (mặc áo đen) bị công an xã ghì đầu, kẹp cổ trong lúc xin phép tác nghiệp.

Ngay sau đó, 10 công an viên và dân quân xã rượt đuổi, xô bật anh Hải ra ngoài, dù được người dân tìm cách bảo vệ thế nhưng với số lượng áp đảo và đằng đằng sát khí của công an xã, anh Hải đã bị ghì cổ, giật và bị phá máy ảnh. Điều đáng buồn, trong giới báo chí, phóng viên Đỗ Thanh Hải được đánh giá là người có trách nhiệm. Đỗ Thanh Hải từng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khen vì tinh thần tác nghiệp và lòng yêu nghề.

Sau khi báo chí phản ánh, rất nhanh chóng, ngày chiều cùng ngày những người trước đó trong buổi sáng còn đằng đằng sát khí, những người trực tiếp cản trở, xô đẩy, dọa nạt, ghì cổ, bẻ tay anh Hải lại xin lỗi “rất ngọt”.

Sự việc anh Đỗ Thanh Hải diễn ra ở vùng sâu, vùng xa nếu cố thông cảm thì có thể hiểu nhận thức của công an xã có vấn đề, trình độ hiểu biết hạn chế thế nhưng ngay giữa Thủ đô, việc đấm, đá phóng viên tới hộc máu mồm thì không thể nào chấp nhận được.

Giống như phóng viên Đỗ Thanh Hải, phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ TP.HCM khi đi tác nghiệp về vụ lái taxi chết bất thường tại cầu Nhật Tân cũng không mang theo gì ngoài máy ghi âm, cuốn sổ, cây bút và chiếc máy ảnh. Thế rồi khi anh đang tác nghiệp, không hiểu vì sao từ đâu mấy người to cao, bặm trợn (sau này được xác định là cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh) lao vào đấm, đá rất tàn ác. Theo giới võ thuật, những cú đấm và đá với anh Quang Thế có tính sát thương cao, triệt hạ bằng được. Và tất nhiên sau đó, cũng đã có những lời xin lỗi được nói ra. Và như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân chỉ là do áp lực căng thẳng của các cán bộ trẻ khi làm việc tại hiện trường đông người.

Tôi cũng có bạn làm hình sự, đánh án, và tôi hiểu sự căng thẳng của những người gánh trọng trách điều tra và bảo vệ hiện trường. Nhưng không phải vì những căng thẳng đó mà anh có thể "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" với bất kỳ ai, chứ chưa nói đến những người cũng đang làm nhiệm vụ như mình. Anh lo lắng, căng thẳng vì trách nhiệm với công việc thì họ cũng vậy mà thôi. Tôi có quá không khi hỏi lại rằng, nếu phóng viên, vào 1 ngày thiếu đẹp trời nào đó, cũng căng thẳng vì công việc cũng phải đấm vào mặt một ai đó trong số các anh thì những cú đấm và những lời xin lỗi qua lại sẽ kéo dài đến bao giờ?

img

img

Phóng viên Quang Thế bị cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh đấm, đá.

Còn với phóng viên, nhà báo thì sao, tôi biết nhiều phóng viên là bạn bè tôi với đồng lương còm cõi và nhuận bút khiêm tốn sẵn sàng ăn mỳ tôm sống, uống nước lã, gặm bánh mỳ, chịu đói chịu rét lên rừng để phanh phui những phi vụ phá rừng, đi theo bộ đội biên phòng, công an phá án ma túy hay thậm chí thuê nguyên cả tàu cá lênh đênh ra tận Hoàng Sa thông tin về những hành vi xâm phạm chủ quyền, đối xử tàn bạo với ngư dân ta...

Tôi cũng biết trong số nhiều phóng viên, nhà báo đó có thể lựa chọn những nghề có thu nhập tốt hơn, nhàn hạ hơn thế nhưng vẫn đeo đuổi nghề báo, trước hết là yêu nghề, thứ nữa là khát vọng được giúp đỡ người yếu thế trong xã hội cất lên tiếng nói của mình, đem lại sự công bằng, đấu tranh để loại bỏ những thứ xấu xa, những mong xã hội tốt đẹp. Tôi nghĩ, ở một góc so sánh nhỏ nào đó, suy nghĩ đẹp đẽ ấy của họ có phần giống các anh, những người cũng đang sẵn sàng lựa chọn công việc đầy áp lực và hiểm nguy để bảo vệ sự công bằng cho những người yếu thế trong xã hội, trước những đối tượng tàn ác và côn đồ.

Thế nhưng, thực tế, thay vì giúp đỡ, tạo điều kiện cho các phóng viên, nhà báo hoàn thành sứ mệnh của mình, tôi lại đang thấy rất nhiều nhân viên và cơ quan công quyền lại vẫn cản trở quyền tác nghiệp của nhà báo bằng nhiều hình thức: nhẹ không gặp, đóng cửa phòng cấm cửa phóng viên, dựng biển cấm chụp hình, quay phim, nặng hơn nữa là tự mình hoặc cho xã hội đen hành hung, tấn công, đấm đá phóng viên.

Hôm nay, phóng viên bị đánh khi họ chỉ đang làm đúng công việc người truyền tải sự thật.

Tức là, họ không sai, họ có tiếng nói và họ vẫn bị đánh!

Vậy tôi và bạn có quyền đặt câu hỏi rằng, nếu không phải là phóng viên, người có thể khơi lên tiếng nói của công luận mà là một người dân hiếu kỳ đứng quay chụp lại sự việc trên trong buổi chiều ngày hôm qua, họ sẽ không may mắn nhận gì từ các anh?

Không ít người nông dân, công nhân, tiểu thương... "thấp cổ bé họng", ống quần xoăn tít đến nhờ nhà báo nói lên tiếng nói bênh vực cho họ. Giờ nhà báo cũng bị đấm một cách "tự nhiên" và oan ức thì dân còn biết nhờ ai?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem