Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 1.

(Cầu thủ) – 16 tuổi, thằng nhóc đứng dang rộng cánh tay kiêu hãnh giữa chục vạn khán giả hiện diện trên thánh địa Camp Nou vĩ đại. Ansu Fati, hãy nhớ lấy tên thằng nhóc này, một ngôi sao mới đã ra đời.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 2.

Trong một chuyến đi thực tế để tìm kiếm nhạc cụ sang Pháp biểu diễn, chuyến xe jeep sau nửa ngày đường rong ruổi đưa nhạc sỹ Trần Tiến lên một đỉnh núi cao thuộc vùng đồng bào dân tộc Raglai, tỉnh Ninh Thuận. Nơi đó, chỉ có một căn nhà sàn duy nhất, chung quanh mấy chục cây số không một bóng người. Chủ căn nhà là một cựu chiến binh, từ ngày giải ngũ ông lấy một người vợ dân tộc Raglai và ở lại luôn chốn mênh mông hoang vu này.

Khi nhạc sỹ đến gần ngôi nhà, ông bỗng nghe một tiếng đàn rất lạ. Hình thù cây đàn càng cổ quái hơn. Đàn có hình trụ tròn, quanh thân đều có dây đàn, tiếng đàn mộc mạc, bình dị như tâm hồn người Raglai. Nhạc sỹ liền hỏi người cựu chiến binh: “Anh ơi, đây là đàn gì?”. Người cựu chiến binh đáp: “Đây là đàn Chapi”. Nhạc sỹ liền hỏi mua cây đàn độc đáo, nhưng câu trả lời của người cựu chiến binh còn độc đáo hơn: “Không! Anh thích thì tôi tặng. Tôi bán làm gì. Ở đây lâu lắm rồi tôi không dùng đến tiền. Anh ra mà xem, đàn dê, đàn gà của tôi đầy. Lúa, nương bạt ngàn. Anh thấy tôi thiếu gì đâu. Trong nhà tôi không có lấy một vật dụng làm bằng kim khí!”.

Nghe câu trả lời, bỗng trong tâm hồn người nhạc sỹ tài hoa bỗng nảy ra một giấc mơ, giấc mơ về cuộc sống không sân si, bon chen cuộc đời. Từ cảm hứng ấy, ông viết nên nhạc phẩm nổi tiếng Giấc mơ Chapi, với như câu chữ phiêu bồng hào sảng:

Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao

Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau…

Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa

Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…

Tại Tây Ban Nha xa xôi, thật không ngờ cũng có một ngôi làng đẹp như “Giấc mơ Chapi” của nhạc sỹ Trần Tiến. Ngôi làng nhỏ bé ấy nằm hiền hòa trong vùng nông thôn xứ Andalucia, dân trong làng không cần đến cảnh sát giữ gìn trật tự, hầu hết 2.626 cư dân sống trong những ngôi nhà giống hệt nhau do họ chung tay xây dựng.

Biểu tượng của làng là con chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, ngậm cành ô-liu. Nơi đây, các khu chợ mở cửa tự do và miễn phí cho người dân đến lấy nhu yếu phẩm. Dân trong làng không chỉ chung tay xây nhà, họ còn cùng nhau làm ruộng, nuôi gia súc và hầu như chẳng cần dùng đến tiền. Ngôi làng ấy có tên Marinaleda, nằm cách thành phố Sevilla, thủ phủ xứ Andalucia, nơi đội bóng vừa vô địch Europa League đặt đại bản doanh, một trăm lẻ một cây số về phía đông.

Trưởng làng, cũng là người sáng lập ra ngôi làng vào năm 1979, là Juan Manuel Sánchez Gordillo, người sở hữu bộ râu đầy nghệ sỹ, vô cùng ái mộ nhà cách mạng Che Guevara và được ví là Robin Hood người Tây Ban Nha. Ông đã bị nhà cầm quyền bỏ tù bảy lần và ít nhất hai lần bị ám sát vì cả gan hiện thực hóa “giấc mơ Chapi”.

Một ngày nọ, Sanchez Gordillo gặp Bori, một người gốc Guinea, đã rời Bissau đến Bồ Đào Nha và lại rời Bồ Đào Nha đến Tây Ban Nha một mình, bỏ lại người vợ đang mang thai. Bori ra đi với hai bàn tay trắng, ở một tình trạng hết sức tồi tệ, phải đi khất thực trên đường phố. Ông nghe nói Marinaleda là nơi mọi người đều được cưu mang và chăm sóc. Bori được trưởng làng thu nhận, với công việc lái xe tải chở rác, và họ trở nên thân thiết.

Sanchez Gordillo chăm sóc Bori, cho ông công việc, một ngôi nhà để ở, và đưa gia đình ông đến đây sinh sống. Bori cũng bắt tay vào xây dựng đường sắt và dốc hết sức lực vào bất cứ việc gì có thể để phát triển ngôi làng, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của ông, như ông tự nhận: “Tôi là người Sevilla”.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 3.

Bori đoàn tụ với vợ và hai đứa con trai vào năm 2008, lúc cậu út vừa tròn 6 tuổi. Đến nơi ở mới, thằng út được Bori đăng ký tham gia CLB bóng đá địa phương, vì ông cũng từng là cầu thủ bóng đá. Thằng út mặc quần đùi bơi, đi chân trần và chơi thứ bóng đá không thể tin nổi. Dân làng lập tức hiểu nó là một tài năng phi phàm, thậm chí có người còn chạy đến nhà để báo cho gia đình biết chuyện. Bori không hề biết, hóa ra thằng út nhà ông chơi bóng giỏi đến thế. Thằng út của Bori tên là Ansu, Ansu Fati.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 4.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 5.

Ansu Fati bắt đầu theo nghiệp quần đùi áo số tại đội bóng địa phương Herrera. Như đã đề cập, tài năng của cậu nhanh chóng nhận được nhiều sự chú ý. Thậm chí Fati đã có lúc đứng giữa ngã ba đường, một hướng về La Fabrica, lò đào tạo của Real Madrid và một hướng về La Masia, lò đào tạo của Barcelona. Đó là lúc Fati 9 tuổi, cậu được người quen giới thiệu vào La Fabrica nhưng Real Madrid không quá mặn mà. Vì vậy, Fati chọn La Masia. Bây giờ, hẳn Real Madrid rất tiếc nuối về chuyện này.

Tại La Masia, Fati trưởng thành nhanh chóng qua các cấp đội trẻ và sớm được triệu tập vào đội một. Khi Ansu Fati được gọi để tập luyện cùng đội một Barca, cậu “không ăn, không ngủ”, như lời cha cậu nói, “nó ngất ngây vì hạnh phúc”. Trong khi đó, ông Bori và vợ đều bật khóc vì sung sướng và tự hào. Chỉ hơn 10 năm trước, họ còn là những người nhập cư khốn khổ, vậy mà bây giờ con trai họ đã khoác áo một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử.

Fati thậm chí chưa bao giờ khoác áo Barca B, đội dự bị đang chơi tại giải hạng Ba của Barca. Ngày đứng giữa thánh địa Nou Camp, dưới sự chứng kiến của gần 100.000 khán giả, đôi mắt Fati không thể giấu vẻ ngỡ ngàng và âu lo.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 6.

Mọi thứ đến quá nhanh với cậu bé gốc Phi này. Ngày 25/8/2019, 16 tuổi, 298 ngày, Fati trở thành cầu thủ trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử từng ra sân trong màu áo Barca, khi được tung vào sân trong chiến thắng 5-2 của Los Blaugrana trước Real Betis. Kỷ lục thuộc về Vicenc Martinez, trẻ hơn Fati 18 ngày tuổi trong ngày ra mắt đội bóng xứ Catalonia, cách đây đã 80 năm có lẻ.

Lúc đó, nhiều người vẫn nghĩ đó chỉ là chuyến dạo chơi của một thằng nhóc đến từ La Masia. Barca luôn giữ gìn văn hóa khuyễn khích cho những “cây nhà lá vườn”. Nhưng kỳ thực, ngay sau thời khắc ra mắt, Fati nhanh chóng chứng minh Barca mới là nơi cậu thuộc về chứ không phải La Masia hay Barca B.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 7.

Một tuần sau, Fati tiếp tục vào sân từ băng ghế dự bị trong trận gặp Osasuna. 6 phút sau khi vào sân, cậu ghi bàn. 16 tuổi, 304 ngày, Fati trở thành cầu thủ Barca trẻ nhất lịch sử từng ghi bàn, đồng thời là cầu thủ trẻ thứ ba từng ghi bàn tại La Liga. Và hai tuần sau nữa, 16 tuổi, 318 ngày, 111 giây trong trận đấu đầu tiên được đá chính tại Camp Nou, Fati lại ghi bàn. Một khởi đầu như mơ.

Tờ Marca nhanh chóng giật tít: “Fati, Ansu Fati, hãy nhớ tên cậu ta”. Tờ AS bình luận: “Những gì thằng nhóc này đang làm là điều khiến giới quan sát phải nghiêm túc thừa nhận: Cậu ta là con quái vật tiếp theo”. El Mundo trực diện hơn: “Một ngôi sao mới ra đời”. Trong khi đó, El Mundo Deportivo tuyên bố: “Thắng nhóc này là niềm hy vọng mới của Barca”. Cuối cùng, tờ El Pais giật lại dòng tít đã dùng, dựa trên miêu tả của HLV Fabio Capello về màn ra mắt của Messi, ở trận tranh cúp Joan Gamper giữa Barca và Juventus vào năm 2004: “Quái vật được gọi là Ansu Fati”.

Kết thúc mùa giải đầu tiên khoác áo Barca, Ansu Fati đóng góp 8 bàn thắng và 1 pha kiến tạo sau 33 lần ra sân trên mọi đấu trường. Riêng La Liga là 7 bàn thắng và 1 kiến tạo sau 24 lần ra sân. Bàn thắng còn lại của Fati ghi vào lưới Inter Milan, giúp anh trở thành cầu trẻ nhất từng ghi bàn tại đấu trường Champions League, khi mới 17 tuổi, 40 ngày.

Nhờ màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Barca, Fati lập tức được triệu tập vào ĐT Tây Ban Nha. Và ngay trận thứ hai, Fati đã ghi bàn góp công giúp La Furia Roja đè bẹp Ukraine với tỷ số 4-0 tại Nations League. Riêng Fati, anh trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn cho ĐT Tây Ban Nha, khi mới 17 tuổi, 311 ngày.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 8.

Bước sang mùa giải 2020/21 này, Fati tiếp tục có những bước tiến vượt bậc. Ngày 23/9 vừa qua, Barca xác nhận Fati là thành viên chính thức của đội một, mặc áo số 22 và có điều khoản giải phóng hợp đồng trị giá lên tới 400 triệu euro. 4 ngày sau, trong trận mở màn mùa giải của Barca, tiền đạo chưa đầy 18 tuổi gây ấn tượng mạnh mẽ bằng một cú đúp bàn thắng và đem về quả phạt đền mà đàn anh Messi thực hiện thành công.

Vì thế, báo giới Tây Ban Nha đã bắt đầu sử dụng những từ ngữ đã dùng để xưng tụng Messi đối với Fati: “Thằng bé đến từ hành tinh nào vậy?”. A star is born – Một ngôi sao mới đã ra đời.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 9.

Sự xuất hiện của Messi đã thay đổi lịch sử Barca. Từ khi La Pulga xuất hiện, Barca đã đoạt 5 chức vô địch Champions League và 10 danh hiệu La Liga, chưa kể tới hằng hà sa số các danh hiệu cao quý khác. Trước khi Messi xuất hiện, 100 năm lịch sử của gã khổng lồ xứ Catalonia (thành lập năm 1899) gói ghém trong 1 chiếc cúp C1, tiền thân của Champions League và 16 danh hiệu La Liga. Thế nên, có thể nói, lịch sử Barca chia làm đôi, trước và khi Messi xuất hiện.

Trước kỷ nguyên Messi, Barca là đội bóng có bề dày truyền thống và lịch sử độc đáo. Tuy nhiên, việc đưa gã khổng lồ xứ Catalonia vào hàng ngũ tinh hoa của bóng đá châu Âu, như Real Madrid, Bayern Munich hay Juventus, AC Milan vẫn có phần khập khiễng. Trong kỷ nguyên Messi, Barca trải qua giai đoạn vàng son nhất, nhiều năm liền là thế lực thống trị bóng đá châu Âu và là cái tên mọi đối thủ luôn phải kiếng dè.

Nhưng hợp rồi lại tan, có thịnh ắt có suy là lẽ thường tình của trời đất, không ai có thể cãi mệnh trời bất chấp tài nghệ siêu quần thuộc hàng thiên phú như Messi. Ở tuổi 33, La Pulga không còn đủ sung mãn, nhiệt huyết và dẻo dai như xưa. Hơn nữa, xung quanh siêu sao người Argentina thiếu như những cộng sự đắc lực để hỗ trợ. Thế nên, sự lụi tàn của Barca là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”, song đương nhiên, cái cách lụi tàn mất hết kiêu hãnh của Barca đúng là không thể chấp nổi.

Messi cũng phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh hoàng ấy. Cái bóng anh tạo ra quá lớn, khiến mọi thành viên, không chỉ là đồng đội mà kể cả Ban huấn luyện hay Ban lãnh đạo đều phải sống dưới cái bóng khổng lồ ấy. Vô hình trung, một môi trường phụ thuộc và trì trệ hình thành. Mọi hoạt động của Barca đều phải xoay quanh và phục tùng Messi, dù bản thân siêu sao người Argentina không hề muốn điều đó song tài năng và ảnh hưởng của anh quá khủng khiếp.

Ansu Fati: Từ giấc mơ Chapi đến ước vọng về một Messi đệ nhị của người Catalonia - Ảnh 10.

Fati đang trở thành cái tên làm được điều Messi và mọi thành viên Barca mong muốn, trong khi những Bojan Krikic hay Neymar đều không làm được. Đó là thoát khỏi cái bóng của Messi. Fati không thể độc lập hay đối trọng với Messi, nhưng cầu thủ này tạo ra sự thu hút riêng cả trên sân cỏ lẫn trên mặt báo. Chơi chữ một chút: “Fati không phải xin phép Messi để tỏa sáng”. Bằng tài năng và tuổi trẻ, Fati tự tạo ra bước ngoặt của trận đấu, như đã thể hiện ở trận đại thắng Villarreal.

Nếu Fati tiếp tục phát triển đúng hướng và vẫn với tốc độ chóng mặt như một năm qua, anh chính là niềm hy vọng để tiếp nối Messi đưa Barca trở lại đỉnh cao, như Messi đã từng khi tiếp nối Ronaldinho. Người Catalonia không mong đợi điều gì hơn thế. Barca dù sao đi nữa vẫn là biểu tượng của xứ sở này. Barca liên tục vướng bê bối tức niềm kiêu hãnh của người Catalonia bị vấy bẩn. Từ giấc mơ Chapi của người cha, thật thú vị người con lại trở thành ước vọng về một Messi đệ nhị hay biểu trưng cho hoài bão của cả một xứ sở.

Đồ họa: Châu Minh

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem