Ánh Tuyết trở lại với “Buồn tàn thu” sau phẫu thuật

Thứ hai, ngày 07/11/2011 15:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tối 5 và 6.11, khán giả yêu âm nhạc đến với khán phòng ATB đông hơn, họ chào đón sự trở lại của ca sĩ Ánh Tuyết sau ca đại phẫu cột sống.
Bình luận 0

30 lần nghe “Buồn tàn thu”

Đêm cuối tuần ở Sài Gòn có không biết bao nhiêu tụ điểm ca nhạc giải trí, nhưng với bác Nguyễn Thượng Lan- 70 tuổi ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) vẫn phải nhờ con trai đưa đến phòng trà ATB tại số 197/4 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận để nghe đêm nhạc “Buồn tàn thu” đánh dấu sự trở lại của ca sĩ Ánh Tuyết. 300 chỗ ngồi đã đầy ắp khán giả, những lồng đèn treo trên cao theo phong cách phố cổ Hội An- quê hương của nữ chủ nhân tỏa ra một bầu ánh sáng ấm áp.

img
Ánh Tuyết trên sân khấu với ca khúc “Buồn tàn thu”.

Bác Lan tâm sự: “Tôi vốn là con gái Hàng Bông (Hà Nội) theo chồng vào Sài Gòn đã 50 năm nay, nỗi nhớ quê hương ngoài Bắc lúc nào cũng cồn cào, bởi thế mà tôi luôn nghe cô Ánh Tuyết hát. Không ai hát nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn hay hơn cô ấy cả. Nếu tính cả lần này, thì đây là lần thứ 30 tôi nghe cô Ánh Tuyết hát ca khúc “Buồn tàn thu” của nhạc sĩ Văn Cao, tôi thích nhất là nghe cô hát mộc, không cần đàn vì trong tiếng hát của cô đã có sẵn tiếng đàn rồi. Nghe bài này lần nào tôi cũng khóc”.

Khán giả trung niên, cao tuổi gắn bó với phòng trà ATB cũng chỉ để được nghe Ánh Tuyết hát nhạc tiền chiến ở một khoảng cách thật gần. Bàn ghế kê sát sân khấu nhỏ, âm thanh không quá ồn ã, và tiếng hát của Ánh Tuyết thì trong vắt và tràn đầy xúc cảm.

Tối nay trên sân khấu, chị trở lại, mạnh mẽ hơn sau ca phẫu thuật, Ánh Tuyết nói: “Cảm ơn các quý vị khán giả, các cô bác, anh chị đã tới đây để cùng Ánh Tuyết tham dự đêm nhạc kỷ niệm 88 năm Ngày sinh của cố nhạc sĩ Văn Cao, ông sinh ngày 15.11.1923, nếu còn trên dương thế, năm nay ông sẽ bước vào tuổi 89”.

Trong trái tim Ánh Tuyết, nhạc sĩ Văn Cao chính là “ân nhân” của chị, người đã cho chị một không gian âm nhạc để chị có thể khoe tiếng hát cao vút và nồng nàn cảm xúc và rồi từ đó, nhiều người yêu tiếng hát của chị hơn.

Ca khúc “Buồn tàn thu” được nhạc sĩ sáng tác năm 1939, năm ông mới chỉ là một cậu bé 16 tuổi, nhưng có thể nói đó là ca khúc hé mở và thâu tóm tất cả những nét tài hoa sau này trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong những đêm diễn của chị, hầu như không có chương trình nào mà “Buồn tàn thu” không được hát, và khán giả cũng chưa bao giờ thôi yêu mến ca khúc này.

Còn trả nợ đời

Suốt một tuần trước đó, Ánh Tuyết miệt mài tập luyện cho chương trình cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hoàng- một người anh nghề nghiệp, đồng hương của chị. Nguyễn Hoàng chính là người phối khí cho toàn bộ những ca khúc chị hát trong 2 đêm trở lại này.

Cũng vẫn là những tình khúc quen thuộc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9… nhưng làm nền cho tiếng hát của Ánh Tuyết chỉ có tiếng guitar mộc mạc, tiếng piano thánh thót trong những phòng trà tiền chiến những thập niên đầu thế kỷ XX ở Hà Nội và Sài Gòn.

Không gian cũ, bài hát cũ, cảm xúc cũ, Ánh Tuyết đưa khán giả về lại với mùa thu bàng bạc trong không gian, trong đôi mắt và nụ cười e ấp của những khuê nữ ngồi tựa cửa, hình bóng ý trung nhân và tình đầu mới chớm khẽ lướt qua như một giấc mơ.

Ca khúc “Buồn tàn thu” đã từng được phổ biến lần đầu tiên qua tiếng hát của nhạc sĩ Phạm Duy và được yêu thích qua tiếng hát của danh ca Thái Thanh, nhưng chính Ánh Tuyết mới là người gắn bó với nó nhiều nhất. Không thể thống kê nổi số lần chị đã hát ca khúc này.

Hình như sau mỗi lần phải phẫu thuật, nằm viện, Ánh Tuyết hát lại hay hơn. Chị bảo đây là lần mổ cổ và cột sống thứ ba của chị, còn tính cả các ca mổ trước đó thì đến nay chị đã trải qua 7 lần phẫu thuật. Trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan, nằm viện mà Ánh Tuyết vẫn kể chuyện cười, bởi chị đã có một động lực to lớn từ những khán giả hàng ngày gọi điện, viết thư động viên và mong chờ chị trở lại sân khấu.

“Tôi giống như người lúc nào cũng mắc nợ tình cảm, tôi nợ những nhạc sĩ của dòng nhạc tiền chiến, tôi nợ những khán giả yêu mến tiếng hát của mình nên không lúc nào tôi nhụt chí trước bệnh tật. Nhớ lần trước vào viện mổ ruột thừa, chỉ 4 ngày sau, tôi đã hát trong liveshow Con đường âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, lần này, vừa ra viện thì cũng kịp để làm đêm diễn kỷ niệm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Dẫu cho chỉ còn 1 người yêu mến tôi thì tôi còn mắc nợ và trả nợ”- Ánh Tuyết tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem