An Giang: Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân

P.V Thứ tư, ngày 03/04/2024 12:46 PM (GMT+7)
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang phối hợp với Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) tổ chức lớp tập huấn ngoài mô hình về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào quy trình sản xuất giống và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Bình luận 0

Chương trình thuộc dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng Mô hình tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với Doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL" giai đoạn 2022- 2024.

Tham dự lớp tập huấn có hơn 36 đại biểu là thành viên HTX, thành viên ban quản trị HTX và nông dân sản xuất giống của 04 huyện/thị: Tịnh Biên, Châu Phú, Thoại Sơn và Chợ Mới.

An Giang: Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân- Ảnh 1.

Th.s Lưu Minh Tuấn – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang hướng dẫn học viên về quy trình cấp mã số vùng trồng.

Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho các học viên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào quy trình sản xuất giống. Trong đó, Th.s Trần Thị Ánh Tuyết – Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp An Giang đã lưu ý tới học viên khi sản xuất giống lúa thì khâu khử lẫn là rất quan trọng và phải được thực hiện xuyên suốt vụ sản xuất.

 Tại đây, học viên còn được hướng dẫn thực hiện và nhận dạng các dạng lẫn trong ruộng sản xuất, phân biệt giữa các bụi lẫn khác giống, khác dạng, các dạng lúa cỏ và cách kiểm soát lúa cỏ…..

Bên cạnh đó, để theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng… Th.s Lưu Minh Tuấn – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang hướng dẫn học viên về quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho vùng sản xuất giống lúa.

An Giang: Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân- Ảnh 2.

Đại diện VINASEED trao đổi một số chính sách, quy chế hợp tác với các học viên.

Theo Th.s Lưu Minh Tuấn việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, và ước lượng năng suất…

Ngoài các vấn đề về kỹ thuật sản xuất, các học viên còn cùng nhau trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm, giải pháp thiết thực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất và công tác tổ chức sản xuất giống nhằm tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng theo quy định. Từ đó góp phần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ giống lúa với công ty/doanh nghiệp giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ.

An Giang: Tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân- Ảnh 3.

Các giống lúa của VINASEED luôn có chất lượng, năng suất cao, thích ứng rộng được bà con nông dân đánh giá cao.

Thông qua lớp tập huấn, nông dân, thành viên ban quản trị HTX cũng đã có dịp gặp gỡ trao đổi chính sách và quy chế hợp tác liên kết sản xuất – tiêu thụ với đại diện VINASEED.

Theo đó, khi tham gia dự án bà con nông dân còn được VINASEED hỗ trợ 50% giá giống lúa đầu dòng; được tập huấn, hướng dẫn và cung cấp tài liệu kỹ thuật sản xuất giống lúa; tạm ứng chi phí sản xuất là 03 triệu đồng/ha;

VINASEED cũng hỗ trợ 100% bao chứa khi thu hoạch; giá thu mua sẽ được cộng thêm dao động từ 600 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tùy loại giống và phương pháp gieo sạ.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, nông dân còn được nhân viên kỹ thuật của VINASEED theo dõi hỗ trợ về quy trình kỹ thuật sản xuất giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem