Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng

Thứ năm, ngày 17/12/2020 19:10 PM (GMT+7)
8 năm về trước, Alex Song bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao với việc ký hợp đồng với câu lạc bộ hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng bây giờ, ít ai ngờ anh chàng tiền vệ người Cameroon này vừa bước vào chuyến phiêu lưu với một CLB vô danh, trên một xứ sở vô danh trên bản đồ bóng đá.
Bình luận 0

Thượng tuần tháng 11/2020, Alex Song ký hợp đồng với Solar 7, đội bóng của Djibouti, quốc gia duyên hải vùng viễn đông lục địa Phi châu, kết thúc 8 tháng… thất nghiệp. Trước đó, tiền vệ 33 tuổi này, cùng 8 đồng đội khác, bị đội bóng chủ quản Sion chấm dứt hợp đồng vì từ chối giảm lương trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 1.

Virus corona khiến cả nền kinh tế thế giới chao đảo, địa hạt bóng đá càng bị ảnh hưởng vì các trận đấu phải tạm hoãn và ngay cả khi bóng lăn trở lại, các CĐV vẫn bị cấm đến sân cổ vũ. Vì vây, các đội bóng dù tiềm lực tài chính mạnh mẽ đến đâu cũng phải sử dụng các biện pháp mạnh để cắt giảm chi phí và nhận được sự đồng lòng từ các cầu thủ, huống hồ một Sion nhỏ bé ở Thụy Sĩ.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 2.

Thế nên, hành động Alex Song dẫu ẩn chứa oan tình vẫn chịu nhiều chỉ trích và dẫn đến việc bị Sion chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại sự nghiệp của tiền vệ người Cameroon, vụ việc vừa qua chỉ là điển hình trong số nhiều lần cầu thủ này quá lý trí với đồng tiền thay vì tận hiến cùng đam mê trái bóng tròn. Hậu quả là không thể phát triển rực rỡ như kỳ vọng. Môn thể thao vua trở nên đặc biệt một phần vì vậy, tài năng tới đâu không có đam mê cũng lụi tàn.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 3.

Ngược dòng thời gian trở về 8 năm trước, tháng 8/2012, ở tuổi 24 sung mãn và hứa hẹn, Alex Song gia nhập Barcelona, đội bóng hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. 15 triệu bảng là số tiền gã khổng lồ xứ Catalonia đã phải chi ra cho Arsenal trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè, sau một mùa giải tiền vệ người Cameroon bùng nổ dữ dội.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 4.

Tại Premier League, Alex Song ra sân 34 lần và đóng góp tới 11 pha kiến tạo, số liệu thường thấy ở những chân chuyền thượng thặng hơn là một tiền vệ phòng ngự. Bằng khả năng công thủ toàn diện như vậy, cầu thủ người Cameroon là một trong những đầu tàu dẫn dắt Arsenal kết thúc ở vị trí thứ ba chung cuộc trên bảng xếp hạng. Từ lò đào tạo của Bastia đến chuyến lang bạt tại Charlton theo dạng cho mượn, việc Song tỏa sáng trong màu áo Pháo thủ đánh dấu bước tiến dài trong sự nghiệp cầu thủ này.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 5.

Ngày đặt bút ký vào hợp đồng 5 năm và ra mắt Barca tại sân Camp Nou, Song hãnh diện chia sẻ: “Tôi rất vui khi được ở đây, đây là đội bóng mạnh nhất thế giới. Khoác áo đội bóng như Barca là điều tôi ước ao từ thuở nhỏ. Tôi hy vọng đội bóng sẽ tiếp tục chiến thắng, đây là tập thể bách chiến bách thắng. Họ chinh phục mọi danh hiệu”.

Mùa giải 2011/12 trước khi Song đến, Barca tiếp tục thể hiện sức mạnh đáng nể khi thu về Cúp Nhà Vua, FIFA Club World Cup, Siêu cúp châu Âu và Siêu cúp Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ở vị thế của gã khổng lồ xứ Catalonia lúc bấy giờ, việc về nhì tại La Liga và “chỉ” lọt vào bán kết Champions League là không đáp ứng được kỳ vọng.

Vì thế, Song được chiêu mộ với hy vọng giúp Barca trở lại đỉnh cao nhất của bóng đá Tây Ban Nha lẫn châu Âu. Với tân binh từ Arsenal, Los Blaugrana kỳ vọng có được phương án dự phòng chất lượng cho Sergio Busquets, trong vai trò tiền vệ phòng ngự tổ chức, cũng như một lựa chọn chất lượng cho vị trí trung vệ.

Andoni Zubizarreta, Giám đốc thể thao của Barca lúc đó đã nói về sự linh hoạt của Alex Song và hào hứng nghĩ về viễn cảnh cầu thủ này sẽ tiếp bước Javier Mascherano hay Rafael Marquez, những cầu thủ có vị trí sở trường là tiền vệ phòng ngự nhưng khi chuyển đến Camp Nou đã thích nghi với vai trò trung vệ.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 6.

Tuy nhiên, HLV quá cố Tito Vilanova, người kế nhiệm Pep Guardiola dẫn dắt Barca trong mùa giải 2012/13, đã không thành công dù nhiều lần thử nghiệm Alex Song ở vị trí trung vệ. 3 tháng sau khi mùa giải khởi tranh, Song có bàn thắng đầu tiên tại Tây Ban Nha, với pha dứt điểm gọn gàng sau nỗ lực đột phá xuống đáy biên rồi chuyền ngược trở lại của Lionel Messi. Sau khi bóng lăn vào lưới, lập tức chính siêu sao người Argentina chạy tới ôm chầm lấy tiền vệ người Cameroon chia vui. Có nghĩa, Song không bị cô lập ở Camp Nou. Vấn đề hoàn toàn nằm ở chính anh.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 7.

Anh đá chính 17 trận ở mùa giải đó và giúp đội bóng giành lại danh hiệu La Liga với 100 điểm, cân bằng kỷ lục chính Real Madrid thiết lập ở mùa giải trước đó, và bỏ xa đại kình địch tới tận 15 điểm. Tuy nhiên, quãng thời gian khoác áo Barca của Song được nhớ đến nhiều hơn với những sự cố ngoài sân cỏ, điển hình là lễ mừng công chức vô địch La Liga.

Trong niềm hân hoan chiến thắng, Alex Song hớn hở giơ tay sẵn sàng đón nhận chiếc cúp từ tay thủ quân Carles Puyol. Tuy nhiên, tiền vệ này đã phải tẽn tò lùi lại phía sau khi nhận ra rằng Eric Abidal, người vừa trở lại sau ca ghép gan, là người Puyol muốn trao cúp.

Mùa thứ hai Song kém thành công hơn. Với Vilanova từ nhiệm vì lý do sức khỏe, HLV Tata Martino được bổ nhiệm. Vị chiến lược gia người Argentina chỉ cho Alex Song đá chính vỏn vẹn 12 lần. Mùa 2013/14 càng không phải là mùa giải thành công của Barca khi gã khổng lồ xứ Catalonia chỉ giành được duy nhất danh hiệu Siêu cúp Tây Ban Nha.

Martino nhanh chóng bị sa thải và Luis Enrique là người được chọn. Sau khi nhậm chức, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha thẳng tay gạt Song ra kế hoạch khi không cho tiền vệ người Cameroon ra sân phút nào trong loạt trận giao hữu tiền mùa giải. Cần nhấn mạnh thêm, Alex Song là cầu thủ duy nhất không xuất hiện dù chỉ 1 phút. Một thông điệp quá rõ ràng.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 8.

Tháng 8/2014, Alex Song trở lại Premier League để khoác áo West Ham theo dạng cho mượn. Sau khởi đầu suôn sẻ và hứng khởi, phong độ của tiền vệ người Cameroon càng ngày càng tệ trong khi Búa tạ cũng sa sút không phanh. Dưới sự dẫn dắt của Sam Allardyce, West Ham chễm chệ ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng vào ngày Giáng sinh, nhưng chỉ thắng 3 trận từ ngày lễ Tặng quà cho đến khi mùa giải khép lại và kết thúc ở vị trí thứ 12.

Kịch bản tương tự lặp lại ở mùa giải 2015/16, khi Alex Song tái gia nhập West Ham vẫn theo hợp đồng cho mượn 1 mùa từ Barca. Dưới thời Slaven Bilic, Búa tạ thi đấu thành công hơn, khi kết thúc ở vị trí thứ bảy. Tuy nhiên, Song chỉ có 15 lần ra sân trên mọi đấu trường. Mùa Hè 2016, cầu thủ này trở lại Nou Camp và bị Barca hủy hợp đồng sớm 1 năm.

Cũng nhờ Barca thanh lý hợp đồng, Song gia nhập Rubin Kazan theo dạng chuyển nhượng tự do. Tuy nhiên, việc chuyển đến Nga chơi bóng là quyết định sai lầm lớn nhất đời cựu cầu thủ Arsenal. Tại xứ sở bạch dương này toàn là bi kịch đối với anh. Chỉ sau 1 mùa giải khoác áo Rubin Kazan, Song gần như đào thoát thành công để gia nhập Birmingham City trong kỳ chuyển nhượng Hè 2017. Tuy nhiên, thương vụ này đổ bể phút cuối, Song buộc phải trở lại Rubin Kazan dù đã công khai chống đối bằng cách xin tập 1 tháng ở đội bóng cũ Arsenal.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 9.

Cuối cùng, Song chỉ được tự do khi bị chấm dứt hợp đồng do Rubin không đủ khả năng tài chính để trả lương. Tiền vệ này bị nợ lương lên tới 7,9 triệu bảng. Cựu tiền vệ Arsenal cuối cùng cũng nhận đủ tiền lương nhờ sự can thiệp từ FIFA nhưng đó là chuyện sau này. Để hiểu hơn về tình cảnh bi đát của Song tại xứ bạch dương, cần biết anh bị đội bóng chủ quản cho sinh sống trong trung tâm huấn luyện, thay vì cấp một căn hộ siêu sao như lời hứa hẹn.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 10.

“Tôi dành toàn bộ thời gian để ngồi trong phòng và thậm chí không bật đèn. Tôi chỉ ngồi dùng laptop, không bật ti-vi, không làm gì cả, vì tôi không thể hiểu được bất kỳ kênh TV nào ở Nga”, Alex Song chia sẻ với tờ Telegraph. “Cuộc sống của tôi xoay quanh chiếc lapton và cái điện thoại, và điều đó thật tệ. Tôi không hiểu nổi tại sao mình không bật đèn. Tôi cảm thấy thật tệ và tôi chỉ muốn ngồi một mình”.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 11.

Mọi thứ đã trở nên tươi sáng hơn đối với Song với việc gia nhập Sion vào tháng 8/2018. “Không có tiền và mọi thứ trở nên khó khăn. Tôi chi trả cho những người giúp đỡ tôi và tôi không còn tiền. Về cơ bản, tôi đã mất một năm sự nghiệp ở Kazan. Bây giờ tôi đang bắt đầu trở lại ở Sion và tôi thấy vui vì điều đó”, Song trả lời phỏng vấn vào tháng 11/2018.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 12.

Tuy nhiên, niềm hạnh phúc trở nên chua chát khi một lần nữa Song sa vào cuộc tranh chấp với đội bóng chủ quản. Vào tháng 3 năm nay, Sion đã sa thải 9 cầu thủ, bao gồm cả bộ đôi cựu cầu thủ của Arsenal, Song và Johan Djourou, sau khi họ từ chối giảm lương trong bối cảnh đại dịch Coronavirus tiếp tục tàn phá tài chính của các câu lạc bộ khắp châu Âu.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 13.

Giải đấu Thụy Sĩ đã bị tạm dừng vô thời hạn vào thời điểm đó vì sự bùng phát – điều vẫn đang cản trở nghiêm trọng khả năng mang lại doanh thu cần thiết của các đội để tiếp tục trả lương cho các cầu thủ dù không thi đấu.

Song và 8 cầu thủ khác đã bị sa thải sau khi không trả lời tin nhắn từ chủ tịch Sion, Christian Constantin hoặc từ chối lời đề nghị của ông này. Constantin muốn các cầu thủ Sion thực hiện một thỏa thuận ‘thất nghiệp tạm thời’ sẽ khiến lương của họ giảm đi khoảng 12.000 euro để giúp câu lạc bộ đối phó với những khó khăn kinh tế do mùa giải bị tạm dừng.

Chia sẻ về trường hợp của bản thân, Song cho biết anh sẵn sàng kiện Sion ra tòa vì bị sa thải vô lý. “Luật sư của tôi sẽ lo việc này, tôi sẽ kiện lên tận FIFA. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi của bản thân. Chúng tôi đã chơi một trận giao hữu vào thứ Sáu (20/3) và chúng tôi dự kiện gặp Chủ tịch vào thứ Hai, sau đó là thứ Ba. Chúng tôi không được thông báo gì”, tiền vệ này phân trần.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 14.

“Chúng tôi nhận được một tin nhắn vào chiều thứ Ba để thông báo với chúng tôi rằng lương của chúng tôi sẽ bị cắt giảm, chúng tôi bị mất khoảng 12.000 euro. Chúng tôi phải trả lại tờ giấy vào trưa ngày hôm sau. Chúng tôi nhận được tài liệu này mà chẳng có một lời giải thích”, anh tiếp tục.

Song giải thích rằng anh đã miễn cưỡng trả lại tờ đơn dù không hiểu đủ hàm ý của nó. Cựu cầu thủ Barca nhấn mạnh: “Tôi là cầu thủ bóng đá, đó không phải việc của tôi. Có những người làm việc xác minh tài liệu. Tôi không thể ký vào tờ đơn khi chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào. Tất cả các đội bóng đều phải trao đổi với nhau, trong khi đội trưởng của chúng tôi chẳng biết gì cả. Chúng tôi thống nhất không ký vào đơn. Chúng tôi muốn nói chuyện”.

Những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp của Alex Song.

“Tôi không thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào đối với nghề nghiệp của mình. Tất cả các CLB đều đàm phán với cầu thủ để tìm ra giải pháp. Chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Không ai hiểu”, tiền vệ người Cameroon nói.

Cũng như Song và Djourou, những người chơi khác bị Sion cho đi là Christian Zock, Pajtim Kasami, Ermir Lenjani, Xavier Kouassi, Birama Ndoye, Mikael Facchinetti và Seydou Doumbia.

Mặc dù thất nghiệp từ tháng 3 trước khi gia nhập Arta Solar 7, Song vẫn gây chú ý vào tháng 5 khi chia sẻ nỗi ám ảnh về tiền của bản thân và tiết lộ rằng anh đã gật đầu ngay tắp lự để rời Arsenal đến Barcelona khi biết kiếm được bao nhiêu tiền tại Camp Nou. Cụ thể, mức lương của Song đã tăng từ 55.000 bảng/tuần lên tới 70.000 bảng/tuần, một con số khổng lồ đối với cầu thủ đến từ Phi châu.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 15.

“Tôi đã gặp Giám đốc thể thao của Barca và ông ấy nói với tôi rằng tôi sẽ không có nhiều cơ hội ra sân”, Song chia sẻ. “Nhưng tôi… đếch quan tâm. Tôi chỉ biết tôi sắp trở thành triệu phú. Khi Barca đề nghị tôi ký hợp đồng, tôi biết sẽ kiếm được bao nhiêu và tôi chẳng nghĩ điều gì khác nữa. Đối với tôi, một thanh niên 20 tuổi lái chiếc Ferrari chả nói lên nhiều điều, vì cậu ta chưa làm được gì ở tuổi ấy. Nhưng một người đàn ông 50 tuổi lái Bentley chắc chắn là người đáng tôn kính”.

Song, người ký hợp đồng với Arsenal vào năm 2006 và có 205 trận khoác áo Pháo thủ, chia sẻ về một trong những kỷ niệm “nghèo hèn” nhất từng trải qua, khi chiếc xe bị xe của Thierry Henry “thổi bay” trên sân tập: “Khi tôi đến sân tập thì thấy “nhà vua” (ám chỉ Henry) lái xe đến. Chết tiệt, chiếc xe ấy như một món trang sức và tôi tự nhủ phải sắm chiếc tương tự với bất kể giá nào.

Alex Song: Ký ức nghèo khó và giấc mơ triệu phú đè nát 1 tài năng - Ảnh 16.

Nhưng khổ nổi, chỉ sau 2 tháng tôi phải trả lại chiếc xe vì không đủ tiền… đổ xăng. Sau đó, tôi lấy lại một chiếc Toyota. Khi tập luyện, Titi hỏi tôi: “Nè nhóc, chiếc xe kia đâu rồi”. Tôi ngậm ngùi đáp rằng chiếc xe ấy tầm tôi chưa thể với tới”.

Tuổi 25, Song với đến chiếc xe cáu cạnh ấy một cách đường hoàng, thậm chí anh còn tiến xa hơn, khi đạp cả thế giới bóng đá dưới chân với việc sánh vai cùng những Messi, Xavi hay Iniesta. Tuy nhiên, tiền vệ đầy tiềm năng này lại quá sa đà vào chuyện tiền bạc mà quên đi việc phát triển sự nghiệp.

Và bây giờ ở tuổi 33, Song có lẽ không mong gì chuyện kiếm chác ở Arta Solar7. Đội bóng tại một quốc gia đang đứng đâu đó ngoài top 180 trên bảng xếp hạng FIFA trên tổng số 210 quốc gia, hẳn nhiên là một nền bóng đá lạc hậu và nghèo nàn, thì chỉ đủ trả cho anh mức lương để mua một chiếc xe cà tàng cũ kỹ. Giấc mơ con đã đè nát cuộc đời con.

Đặng Xá - Châu Minh (Theo Cầu Thủ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem