Ai "phán xử" câu chuyện Thể Công Viettel, CLB CAHN hay Hà Nội FC phải rời sân Hàng Đẫy?

Trần Oánh Thứ năm, ngày 14/03/2024 18:10 PM (GMT+7)
Phải chăng đã đến lúc SVĐ Mỹ Đình cần tập trung vào việc kinh doanh các cơ sở vật chất như sân bóng, đúng với công năng của nó, thay vì tìm kiếm doanh thu từ các nguồn cho thuê mặt bằng, vừa không đúng chức năng, vừa khó chứng minh sự minh bạch như trước đây.
Bình luận 0

Quy định của AFC, giải bóng đá vô địch quốc gia phải được tổ chức theo thể thức sân nhà - sân khách và chỉ cho phép tối đa 2 CLB sử dụng chung một SVĐ, đang đẩy 3 CLB của Thủ đô là Hà Nội FC, Thể Công Viettel và CLB CAHN vào thế khó, khi họ đang cùng đăng ký sân Hàng Đẫy làm sân nhà.

Trên địa bàn Thủ đô, ngoài SVĐ Hàng Đẫy ra, còn có SVĐ Mỹ Đình và SVĐ Hà Đông. Sân Hà Đông không đủ tiêu chuẩn vì chỉ có sức chứa khoảng 3.000 chỗ ngồi và không có giàn đèn chiếu sáng. Muốn sử dụng sân này thì phải cải tạo cơ sở vật chất. Nhưng với khoảng thời gian chỉ hai tháng sau khi kết thúc mùa giải hiện tại, điều này là bất khả thi. Vấn đề của phương án chọn sân Mỹ Đình là sân nhà lại nằm ở tiền thuê sân. Trong khi một trận đấu tại sân Hàng Đẫy các đội chỉ phải tiêu tốn 70 - 100 triệu đồng thì ở sân Mỹ Đình sẽ tăng gấp nhiều lần. Cho nên thật dễ hiểu khi không đội nào muốn chuyển đi khỏi mái nhà quen thuộc Hàng Đẫy, và cuộc họp bàn phương án giải quyết chuyện này với đại diện 3 CLB do VFF chủ trì kết thúc nhanh chóng trong bế tắc.

Ai "phán xử" câu chuyện Thể Công Viettel, CLB CAHN hay Hà Nội FC phải rời sân Hàng Đẫy? - Ảnh 1.

SVĐ Hàng Đẫy. Ảnh: Hà Nội FC.

Vậy giải quyết câu chuyện này như thế nào và ai sẽ là người giải quyết?

Đầu tiên, việc trông chờ 1 CLB nào đó tự nguyện chấp nhận rời sân Hàng Đẫy, tìm 1 SVĐ nào đó làm sân nhà thay thế bất chấp thiệt thòi là duy ý chí. Sẽ không có đội bóng nào tự đẩy mình vào thế khó đó cả, chưa kể họ vốn là những đối thủ, so kè với nhau từng chút, từng điểm số. Đương nhiên, khi không đội nào tự giác rời đi thì sẽ dẫn đến câu chuyện, trong 3 đội đó, đội nào xứng đáng ở lại sân Hàng Đẫy? Tình huống này VFF phải đóng vai người phán xử, phải lắng nghe ý kiến của ba đội trước khi tìm giải pháp gửi Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, đơn vị quản lý sân Hàng Đẫy. 

Và để đưa ra quyết định về đội nào phải rời đi, thì phải dựa vào những tiêu chí cụ thể nào? Ví dụ như những tiêu chí quan trọng đã được nêu ra gồm: Đội bóng nào gắn tên thành phố Hà Nội nên được ưu tiên ở lại; Đội nào có thứ hạng thấp nhất vào cuối mùa V.League 2023/2024 sẽ phải rời đi. Hoặc nhiều ý kiến cho rằng nếu như VFF và VPF không thể phân xử được thì ba đội bóng nên tiến hành bốc thăm… Tất nhiên là với những phương án kiểu như vậy thì sẽ không bao giờ có được sự đồng thuận của cả 3 CLB, trong khi VFF và VPF vẫn mong muốn có sự thống nhất, chia sẻ từ các đội bóng trên nhằm giải quyết theo hướng "tình cảm".

Vậy chìa khóa của vấn đề này nằm trong tay ai?

Trở lại với câu chuyện hạch toán của SVĐ Mỹ Đình, vốn thuộc quản lý của Khu liên hợp thể thao quốc gia ( Khu LHTTQG), đơn vị tự chủ tài chính 100% từ năm 2012. Mỗi trận của ĐT Việt Nam đá trên sân Mỹ Đình tại AFF Cup 2022 được thuê với giá 800 triệu đồng. Trong khi đó, theo khu liên hợp, họ phải chi trả khoản tiền lên đến gần 1 tỷ đồng cho mỗi trận đấu, như vậy khu liên hợp sẽ bị lỗ từ 100 triệu - 200 triệu đồng cho mỗi trận.

Chúng ta cùng nhau bóc tách từng chi phí trong số tiền gần 1 tỷ này theo số liệu của đơn vị này cung cấp cho 1 trận đấu của ĐTQG tổ chức ở đây, dưới góc độ hạch toán kinh doanh:

1. 200 triệu đồng tiền thuế đất. Bản chất, số tiền này dù Khu LHTTQG có tổ chức sự kiện hay không thì họ vẫn phải trả tiền thuế đất cho Nhà nước dựa trên diện tích đất mà họ đang sử dụng. 

2. 80 triệu tiền phạt nợ xấu. Khoản chi phí này không được tính là chi phí trực tiếp cho trận đấu.

3. 100 triệu khấu hao tài sản. Thực tế, tiền khấu hao tài sản này cũng giống như tiền thuế đất, dù không tạo ra doanh thu thì tài sản vẫn cần khấu hao. 

4. 120 triệu tiền phân bón chăm sóc sân cỏ. Đây là chi phí bảo dưỡng tài sản, về cơ bản, dù có doanh thu hay không vẫn phải chi để duy tu bảo dưỡng tài sản của nhà nước đã giao cho đơn vị quản lý. 

5. 100 triệu tiền làm thêm ngoài giờ cho đấu tập và thi đấu chính thức, tiền thuê người làm công tác hậu cần (dọn rác, vệ sinh mặt sân, khán đài, xung quanh sân trước, trong và sau sân trận đấu). Thực tế, chi phí này giống với chi phí chăm sóc sân cỏ, nó là chi phí thường xuyên và có thể nằm trong chi phí lương nhân viên của khu liên hiệp. 

6.  200 triệu đồng tiền điện. Tiền điện thắp sáng cho trận đấu sẽ được thể hiện qua công tơ điện. Có lẽ với trận đấu của ĐTQG thì thời gian thắp đèn cao áp sẽ nhiều vì ngoài trận đấu sẽ cần vài buổi tập của cả đội nhà và đội khách. 

7. 100 triệu thuế giá trị gia tăng. Chi phí này sẽ là 8% số chi phí được chấp nhận ở trên và đương nhiên nó nhỏ hơn 100 triệu nhiều.

Ai "phán xử" câu chuyện Thể Công Viettel, CLB CAHN hay Hà Nội FC phải rời sân Hàng Đẫy? - Ảnh 2.

Trận đấu giữa Thể Công Viettel và CLB CAHN tại sân Hàng Đẫy mới đây. Ảnh: VPF.

Có thể thấy, chi phí trực tiếp cho 1 trận đấu tổ chức trên sân này chỉ có tiền làm công tác hậu cần và tiền điện nếu tổ chức đá vào buổi tối, và về cơ bản nó sẽ tương đối giống với chi phí tổ chức 1 trận đấu bóng của sân Hàng Đẫy. Đương nhiên, tổng chi phí hạch toán 1 trận đấu trên sân Mỹ Đình sẽ cao hơn vì diện tích lớn hơn, chi phí quản lý, bảo vệ nhiều hơn, hay thuế đất và khấu hao tài sản cao hơn do tài sản lớn hơn, mới hơn …

Nếu có 1 hoặc 2 đội chọn Mỹ Đình làm sân nhà thì sẽ có thể có 26 trận đấu/1 năm trong khuôn khổ V.League được tổ chức ở đây, điều này tạo ra doanh thu nhiều tỷ đồng cho trung tâm, cùng các khoản thu từ các dịch vụ liên quan, như quảng cáo hay phục vụ khán giả. Việc này cũng giúp chia sẻ các chi phí thuế đất, khấu hao tài sản cố định hay chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên sân cỏ cho nhiều trận đấu. Và khi đó, đơn giá thuê sân cho ĐTQG thi đấu cũng không cần phải tới 800 triệu như hiện nay mà Khu LHTTQG vẫn có lãi. Tóm lại, chắc chắn làm vậy sẽ ích lợi hơn rất nhiều cho bản thân Khu LHTTQG, cho cán bộ nhân viên đơn vị này, cho bóng đá Việt Nam hơn so với việc việc đóng cửa sân không có doanh thu mà vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với các chi phí kể trên.

Ở góc nhìn khác, tình huống khó khăn hiện tại của 3 đội bóng Hà Nội FC, CLB CAHN, Thể Công Viettel, của SVĐ Hàng Đẫy, của VFF hiện nay phải được nhìn như là cơ hội kinh doanh của Khu LHTTQG. Các đối tượng nêu trên là khách hàng, mang đến doanh thu cho Khu LHTTQG, mang đến công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên ở đây. Chỉ cần lãnh đạo đơn vị này tìm cách hạch toán, quản lý tài chính hợp lý, sao cho đơn giá cho thuê 1 trận đấu của V.League có thể cao hơn đơn giá của sân Hàng Đẫy, nhưng không cao tới mức gấp đôi, để các CLB có thể chấp nhận lấy SVĐ Mỹ Đình làm sân nhà. 

Có vẻ giải pháp cho vấn đề của 3 đội bóng thủ đô đang nằm trong tay các nhà quản lý của Khu LHTTQG. Phải chăng đã đến lúc SVĐ Mỹ Đình cần tập trung vào việc kinh doanh các cơ sở vật chất như sân bóng, đúng với công năng của nó, thay vì tìm kiếm doanh thu từ các nguồn cho thuê mặt bằng, vừa không đúng chức năng, vừa khó chứng minh sự minh bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem