5 điểm nóng có thể “đỏ lửa” trong năm 2015

Đông Phong (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 03/01/2015 19:00 PM (GMT+7)
Tam giác Phương Tây - Ukraine - Nga, những tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông hay cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo -  tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay được dự báo sẽ là những vấn đề nóng trên thế giới trong năm 2015.
Bình luận 0

 Phương Tây-  Ukraine- Nga: Chảo lửa khó lường

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh đến nay. Kinh tế Nga đang lao đao vì giá dầu sụt giảm thê thảm, kéo theo việc đồng Rúp mất giá trầm trọng trong bối cảnh nước này còn liên tiếp bị Mỹ và các nước châu Âu áp các lệnh trừng phạt.

Các chuyên gia của Bloomberg và hãng tin CNBC của Mỹ đều cho rằng, năm 2015 sẽ là một năm đặc biệt khó khăn với Tổng thống Nga Putin.

img

Cuộc nội chiến ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi các nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) lại cho rằng, không chỉ riêng mình nước Nga hay Tổng thống Putin mà ngay cả phương Tây cũng sẽ phải đương đầu với một năm vô cùng khó khăn, Lý do là, việc áp các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng đang gây ra nhiều "phản ứng phụ" cho chính nền kinh tế châu Âu.

“Tình hình này gây ra một cuộc xung đột căng thẳng và cả hai bên đang cùng chuẩn bị cho một đối đầu kéo dài",  Dự báo toàn cầu 2015 của CSIS lưu ý.

img

Tổng thống Putin sẽ có một năm khó khăn trong năm nay.

Trong khi đó khủng hoảng chính trị ở Ukraine  vẫn đang trong thế "tiến thoái lưỡng nan" khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine, Nga, phe ly khai và OSCE lại tiếp tục bị trì hoãn. Tờ Business Insider dự đoán, cuộc chiến ở Ukraine sẽ vẫn còn tiếp tục trong năm 2014, còn các chuyên gia của CSIS thì lại cho rằng, "tương lai của Ukraine sẽ có tác động  lớn tới nước Nga và sẽ không có một cuộc chuyển biến dễ dàng cho quốc gia Đông Âu này".

Những nguy cơ tại Biển Đông và Hoa Đông

Những đốm lửa nhỏ âm ĩ cháy suốt trong năm 2014 tại khu vực Đông Á sẽ có nhiều nguy cơ bùng cháy trong năm 2015 khi nhiều bất đồng và mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực mới chỉ tạm thời lắng xuống hoặc được xoa dịu nhờ các biện pháp ngoại giao.

Nhiều chuyên gia dự đoán, những căng thẳng do tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông, hay với Nhật Bản trên biển Hoa Đông sẽ tiếp tục nổi lên trong năm nay.

img

Những căng thẳng do tranh chấp trên Biển Đông được dự đoán là sẽ vẫn còn nóng trong năm 2015.

Minh chứng cho dự báo này là cái bắt tay lạnh nhạt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abbe tại Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 11.2014.

Nhiều người đã gọi việc hai nguyên thủ Trung, Nhật không nở nổi một nụ cười khi đứng  cạnh nhau và cái bắt tay "cho có lệ" là tiếng chuông dự báo viễn cảnh nhiều sóng gió giữa hai cường quốc này trong thời gian tới.

Các nhà phân tích của Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) cảnh báo về nguy cơ xảy ra đối đầu vũ trang trên biển trong năm 2015.

Nóng bỏng cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo

Sự nổi lên của nhóm khủng bố giàu nhất thế giới hiện nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực Syria và Iraq được xem là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật nhất trong năm 2014. Cùng với các vụ chặt đầu và bắt cóc con tin, nhóm khủng bố này đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới. Các chuyên gia quốc tế đều cho rằng, giải quyết mối nguy khủng bố ở Trung Đông và các vụ tấn công của những "con sói cô độc" có liên hệ với IS là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trong năm 2015.

img

Cuộc chiến tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo sẽ còn làm "đau đầu" Mỹ và các đồng minh.

Hãng tin CNBC của Mỹ dự đoán, sẽ rất khó cho lực lượng Liên quân do Mỹ đứng đầu tiêu diệu hoàn toàn được phiến quân IS bằng các cuộc không kích, bởi nhóm khủng bố này đang ra sức củng cố các lãnh thổ đã chiếm được và không ngần ngại ra tay dã man với các con tin để làm "chùn tay" các đối thủ. 

Dự báo toàn cầu 2015 của CSIS cho rằng, Mỹ và các nước đồng minh không có nhiều lựa chọn trong chiến dịch chống IS ngoài nỗ lực ngăn chặn các tay súng nước ngoài tới Iraq và Syria để gia nhập tổ chức khủng bố này.

"Nóng" tại điểm lạnh Bắc Cực

Ngày 15.12.2014, Đan Mạch đã đệ đơn lên Liên Hợp quốc đăng ký chủ quyền với một phần vùng Bắc Cực. Theo Financial Times, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên tuyên bố chủ quyền Bắc Cực, trước cả Nga và Canada. Trong khi đó, “miếng bánh Bắc Cực” không hề dễ chia khi cả Mỹ, Nga, Canada và Na Uy đều coi là nước mình có quyền sở hữu một phần lãnh thổ khu vực này.

img

Quân đội Nga đã có mặt tại Bắc Cực.

Bắc Cực được nhiều nước "để ý" bởi vùng đất này chứa khoảng 13% dầu chưa phát hiện của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được khai thác.

Ngoài vai trò kinh tế, Bắc Cực còn nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng. Vùng đất này là con đường ngắn nhất nối Bắc Mỹ với lục địa Âu-Á, đồng thời, Bắc Cực cũng là chặng bay ngắn nhất cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom chiến lược.

Hiện các tàu ngầm tên lửa của Nga mang vũ khí hạt nhân đang thường xuyên thực hiện tuần tra vùng biển Bắc Băng Dương. Khu vực Bắc Băng Dương cũng đã có sự hiện diện của tàu ngầm Mỹ mang tên lửa hành trình.

Thời gian gần đây, Bắc Cực còn thu hút sự quan tâm của cả những quốc gia nằm cách xa hẳn khu vực này như Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần đưa tàu phá băng lớn nhất của nước này là Tuyết Long tới Bắc Cực cắm cờ và dường như cũng  có ý định "nhòm ngó" miếng bánh còn chưa "chia chác" xong xuôi này.

Trong năm 2015, Nga và Canada cũng sẽ đệ đơn lên Liên Hợp quốc đòi chủ quyền khu vực giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên Bắc Cực. Như vậy, rõ ràng, vùng đất băng giá Bắc Cực sẽ là một điểm nóng đáng chú ý với nhiều quốc gia trong năm nay.

Đại dịch Ebola bị đẩy lùi trong năm 2015?

Trong năm 2014, đại dịch Ebola đã khiến hơn 6.300 người thiệt mạng. Hầu hết các nạn nhân đều là người Guinea, Liberia và Sierra Leone. Theo báo cáo mới nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 1.1 cho biết, ,virus Ebola vẫn đang lây lan ở Tây Phi, đặc biệt tại Sierra Leone. Hiện số ca mắc trên toàn cầu đã vượt quá 20.000 và đã có 9 nước trên thế giới ghi nhận số ca mắc Ebola.

img

Đại dịch Ebola đã khiến hơn 6.300 người thiệt mạng trong năm 2014. 

Đến nay, đại dịch lớn nhất trong năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lây lan. Trong khi đó, vaccine chống loại virus chết người này vẫn chưa được thể nghiên cứu thành công.

Theo Giáo sư Peter Piot, một trong những người phát hiện virút Ebola từ năm 1976 dự báo, đại dịch này có thể kéo dài đến hết năm nay. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, phải cần khoảng 3 tỷ Euro để giải quyết đại dịch này trong năm 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem