4 chính sách pháp luật nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 5/2019

Yến Linh Thứ năm, ngày 16/05/2019 11:25 AM (GMT+7)
Các chính sách có nội dung liên quan đến các lĩnh vực như giáo dục, tố cáo - khiếu nại, đấu thầu,... sẽ chính thức có hiệu lực từ giữa tháng 5/2019.
Bình luận 0

1. Không được đăng ký trùng tên hợp tác xã

Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT quy định về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã. Theo đó, việc đặt tên hợp tác xã cần lưu ý các vấn đề sau:

Trước khi đăng ký tên hợp tác xã, hợp tác xã tham khảo tên các hợp tác xã đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hợp tác xã;

Hợp tác xã không được đặt tên hợp tác xã trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của hợp tác xã khác đã đăng ký trên phạm vi toàn quốc, trừ những hợp tác xã đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố hợp tác xã bị phá sản;

img

Các hợp tác xã hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cấp trước ngày 28.5.2019 thì được tiếp tục sử dụng tên hợp tác xã đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên.

Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT là sửa đổi Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT.

Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 28.5.2019.​

2. Áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông

Từ ngày 28.5.2019, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông sẽ chính thức áp dụng bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

img

Theo đó, để điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục và xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường, BGDĐT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử bao gồm:

Quy tắc ứng xử chung;

Quy tắc ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục;

Quy tắc ứng xử của giáo viên;

Quy tắc ứng xử của nhân viên;

Quy tắc ứng xử của người học trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

Quy tắc ứng xử của cha mẹ người học;

Quy tắc ứng xử của khách đến cơ sở giáo dục.

3. Quy trình lựa chọn nhà thầu gói thầu mua chó nghiệp vụ

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013.

Theo đó, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua chó nghiệp vụ; đào tạo chó nghiệp vụ; mua ma tuý, chất nổ, mẫu tẩm nguồn hơi ma tuý, chất nổ để huấn luyện chó nghiệp vụ được thực hiện như sau:

Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

Thương thảo hợp đồng với nhà thầu được xác định có đủ năng lực, kinh nghiệm;

Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

Hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu.

Quyết định 17/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 22.5.2019.

4. Quy định về trưng cầu giám định trong giải quyết tố cáo

Nghị định 31/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo.

Trong đó, khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo thì người giải quyết tố cáo quyết định việc trưng cầu giám định.

Việc trưng cầu giám định phải được thực hiện bằng văn bản và được gửi cho người giải quyết tố cáo, người tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định; nội dung yêu cầu giám định; thời hạn đề nghị gửi kết luận giám định.

Thời gian giám định không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.

Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 28.5.2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem