4 chàng "ngự lâm pháo thủ" trường Kim Liên

Thứ năm, ngày 11/04/2013 06:26 AM (GMT+7)
Dân Việt - 4 bạn trẻ trường Kim Liên, Hà Nội đưa ra giải pháp tiết kiệm điện năng bằng cách sử dụng hệ thống tự động điều khiển thiết bị điện kết hợp với hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Bình luận 0

Intel- ISEF (Hội thi Khoa học và Kĩ thuật quốc tế của Intel) là hội thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9-12. Hội thi tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất trên khắp thế giới được chia sẻ ý tưởng, trình bày các dự án khoa học tiên tiến, và thi tài để giành được các giải thưởng, học bổng, trợ cấp học phí, thiết bị khoa học và các chuyến tham quan khoa học với tổng trị giá hơn 4 triệu đô la Mỹ.

Năm nay, trường THPT Kim Liên, Hà Nội tham gia cuộc thi và có hai đội được vào vòng quốc gia. Đội thứ nhất với đề tài “Bạo lực học đường, thực trạng và giải pháp” thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, đội thứ hai với đề tài “Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam” thuộc lĩnh vực Khoa học máy tính. Cả hai đội đều giành giải Nhì lĩnh vực và giải Ba toàn cuộc thi. Cả hai đề tài này đều đề cập những vấn đề nóng của xã hội.

img

Đặc biệt, đề tài “Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam” đã chỉ ra được những bất cập trong công tác quản lý điện ở các trường học, từ đó các bạn học sinh đã tìm ra hướng giải quyết những bất cập này. Đề tài được các bạn lựa chọn xuất phát từ thực tiễn tại trường học của mình, khi hàng ngày học sinh phải tiếp xúc với các thiết bị điện lạc hậu, không an toàn.

Từ những tòa nhà trong trường đã xuống cấp và dự kiến được xây mới, các bạn mong muốn xây dựng một hệ thống quản lý và điều hành hệ thống điện văn minh, an toàn, bên cạnh đó còn có thể giúp cho nhà trường giảm thiểu tiền điện lãng phí từ sự thiếu ý thức của con người. Và đề tài ra đời từ những suy nghĩ tích cực như vậy.

img

Đề tài “Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam” đưa ra giải pháp tiết kiệm điện năng bằng cách sử dụng hệ thống tự động điều khiển thiết bị điện kết hợp với hệ thống điện năng lượng mặt trời. Hệ thống tự động điều khiển thiết bị với phần mềm thông minh cho phép điều khiển ở hai chế độ tự động và thủ công các thiết bị điện trong phòng học theo thời khóa biểu của nhà trường.

Các thiết bị được các bạn chọn làm đối tượng thực nghiệm trong đề tài này là đèn và quạt. Hệ thống cũng có khả năng tự "cảm nhận" trạng thái môi trường phòng học để tự động bật/ tắt và điều chỉnh cường độ sáng của đèn, tốc độ của quạt cho phù hợp. Phần mềm trong hệ thống được xây dựng chủ yếu dựa trên ngôn ngữ lập trình C, Visual Basic.

Dưới sự hướng dẫn của nhóm nhà khoa học gồm tiến sĩ Lê Nhật Thăng và Thạc sĩ Nguyễn Đức Minh- giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhóm Intel-ISEF đã tiến hành triển khai đề tài và theo tính toán, hệ thống giúp tiết kiệm được khoảng 20% điện năng. Với con số hơn 72 tỷ đồng là số tiền điện bị lãng phí từ các trường học tại Hà Nội, hơn 432 tỷ đồng là số tiền điện bị lãng phí từ các trường học tại 6 thành phố lớn ở Việt Nam mỗi năm thì đề tài là một ứng dụng rất thiết thực hiện nay.

img

Chỉ với chi phí cho hệ thống này chỉ khoảng 12 triệu đồng, các trường học với 24 phòng đã có một hệ thống điều khiển thiết bị điện khoa học, linh hoạt. Các bạn còn đề cập hướng phát triển của đề tài là chuyển đổi các kết nối đường dây điều khiển dạng hữu tuyến hiện nay thành vô tuyến (dùng wifi, bluetooth...), cải tiến phần mềm điều khiển thành một ứng dụng trên các thiết bị cầm tay di động, đưa hệ thống vào ứng dụng trong các tòa nhà thông minh (smart-house).

Trước ý tưởng mới và táo bạo như vậy, nhóm ISEF Tin học đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại để hoàn thành được đề tài này. Các bạn phải dành thời gian cho đề tài vào những giờ nghỉ giữa các tiết học để họp, dành những buổi vui chơi ngoại khóa để xuống xưởng thực hành cách trường học hơn 10 cây số, buổi tối sau giờ học, các bạn bắt tay vào đề tài khi đồng hồ đã điểm 23h đêm, lúc ấy như bạn Quốc Khánh (11A3) nói vui “Tài liệu mới về”.

Có biết bao kỷ niệm, nào là Tuấn Anh (10A12) - biệt danh Con cò be bé của nhóm rơi xuống ao nhà Khánh lúc 22h đêm mà vẫn kịp nhớ tư thế úp mặt xuống để bảo quản cái máy tính trên lưng khi thời tiết là 9 độ C, là một Quốc Khánh có người giúp việc nhưng vẫn tự tay nấu ăn cho các bạn, là Duy Anh (12A1) đi in báo cáo từ Đại học Bách khoa về với vận tốc 1km/1 giờ vì xe bị đứt từng cái phanh sau hai lần bị ô tô tạt đầu.

img

Thậm chí, 12h đêm hôm trước ngày thi mẹ Duy Anh không đồng ý cho cu cậu đi, và làm công tác tư tưởng cậu đến 3h sáng. Đến 6h sáng hôm sau, cả đội như òa lên khi thấy thân hình cò hương của cậu đạp xe đến trường với khuôn mặt “ xanh xanh lá chuối”, rồi đến ngày cuối cuộc thi vòng quốc gia, trong khi các đội bạn được được giao lưu dạ hội, các bạn phải cặm cụi sửa mô hình ở nhà để hôm sau có sản phẩm cho các đại biểu tham quan, và kết quả "con cò be bé" bị bỏng vì hậu đậu, hôm sau lên nhận giải bằng đôi dép xỏ ngón và dáng đi tập tễnh

Ấy vậy mà, chẳng có gì tắt được nụ cười của các bạn. Với các bạn, niềm vui hơn bao giờ hết không chỉ là giải thưởng mà chính là đã có người quan tâm và đặt mua hệ thống. Ước mơ thì có nhiều, nhưng để giấc mơ ấy thành hiện thực sẽ chẳng dễ dàng. Và bên cạnh những tháng ngày vất vả ấy, không thể thiếu một người luôn đốt ngọn đuốc đam mê cho các bạn, đó là cô giáo Dương Hồng Hạnh, người mẹ người bạn và như cô tự nhận “ nhóm Intel có 4 chàng ngự lâm pháo thủ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem