3 bí quyết cực độc giúp HTX bán hơn 35.000 tấn rau/năm, không lo ế

Thu Hà Thứ tư, ngày 28/03/2018 07:23 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều vùng trồng rau trên địa bàn Hà Nội đang gặp khó khăn về đầu ra thì tại vùng trồng rau an toàn (RAT) Văn Đức (huyện Gia Lâm), toàn bộ sản lượng rau trên diện tích hơn 250ha vẫn tiêu thụ hết. Bình quân mỗi năm, toàn xã Văn Đức cung cấp ra thị trường hơn 35.000 tấn rau với trên 30 chủng loại, giá trị thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/ha/năm.
Bình luận 0

Tiêu thụ thuận lợi, bán rau giá cao

Thời điểm này, mặc dù giá rau ở nhiều địa phương khác đang xuống thấp nhưng trên cánh đồng RAT Văn Đức, không khí sản xuất của bà con vẫn rất nhộn nhịp. Theo nhiều hộ sản xuất, rau ở đây luôn được bán với giá cao hơn so với các nơi khác từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

img

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Văn Đức hướng dẫn công nhân sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch. Ảnh: Thu Hà

Với 250ha diện tích trồng rau, xã Văn Đức có sản lượng rau khá lớn, đạt 35.000-40.000 tấn rau mỗi năm nhưng vẫn được HTX tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu hàng năm từ 300 – 500 tấn rau rau cải thảo sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiệu quả kinh tế trồng rau đạt 550-600 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi 420-450 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Minh –
Giám đốc HTX Sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ
nông nghiệp xã Văn Đức

Ông Đặng Văn Phúc ở thôn Trung Quan 1, xã Văn Đức phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 1,6 mẫu RAT, trong đó có 1 sào trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất theo chuỗi, toàn bộ sản phẩm được HTX đứng ra bao tiêu nên xã viên không lo về đầu ra”.

Theo ông Phúc, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Phúc và các hộ trồng rau ở Văn Đức đều được cấp một cuốn sổ nhật ký đồng ruộng. Theo đó, những hoạt động sản xuất hàng ngày đều phải ghi đầy đủ từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu… Để từ đó, nhóm trưởng kiểm tra hàng ngày giúp các hộ dân điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, những hộ dân, những nhóm sẽ giám sát chéo nhau, nếu hộ hoặc nhóm nào vi phạm sẽ ngay lập tức bị phê bình trên hệ thống loa truyền thanh của toàn xã.

“Liên kết trồng rau tạo thành vùng hàng hóa tập trung và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về trồng RAT, rau VietGAP nên sản phẩm rau của Văn Đức bán rất dễ dàng, chưa bao giờ bị “dội chợ” hay phải “giải cứu” như các vùng trồng rau khác. Nhất là thời điểm này, giá rau xuống thấp nhiều nơi phải nhổ bỏ, nhưng chúng tôi vẫn tiêu thụ rau ngon lành. Cụ thể: Đối với rau cải bắp, gia đình tôi vẫn xuất bán cho HTX với giá 2.500 – 3.000 đồng/kg, cao hơn các vùng khác khoảng 1.000 -1.500 đồng/kg. Nhờ trồng rau, bình quân mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/tháng”- ông Phúc phấn khởi nói.

3 bí quyết không sợ “ế”

Hiện, toàn xã Văn Đức có 250ha RAT, trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức cho biết, nhằm giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau ngay tại ruộng, HTX đã thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc (PGS) trong sản xuất RAT. Hiện nay, HTX đã thành lập được 20 nhóm sản xuất và 5 liên nhóm, mỗi nhóm từ 25 – 30 hộ thành viên trồng rau. Trong đó, mỗi nhóm sẽ bầu ra một tổ trưởng đảm nhiệm việc giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng theo đúng quy trình. Các hộ thành viên đều được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn sản xuất RAT, sản xuất theo VietGAP, phòng trừ dịch hại IPM... Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...).

Nhờ sản xuất theo đúng quy trình, rau của HTX đã được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội (Co.opmart, Metro…) và một số tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 – 50 tấn rau các loại. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu hàng năm từ 300 – 500 tấn rau rau cải thảo sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết tốt vấn đề đầu ra, ông Minh cho biết, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng RAT, rau VietGAP, HTX đã tổ chức sản xuất đa dạng các loại rau, cân đối diện tích gieo trồng, tránh làm ồ ạt một loại rau khiến khó bán, giá cả không đảm bảo. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng với các doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức Đinh Văn Yên cho biết, sản phẩm RAT của Văn Đức đã có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên vấn đề đầu ra đã không còn là mối lo ngại. Tuy nhiên về lâu dài, để duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của vùng RAT, Văn Đức mong muốn được thành phố, Sở NNPTNT đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nông dân trồng RAT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem