15 năm là đối tác chiến lược toàn diện và điểm nhấn trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

O.L Thứ hai, ngày 18/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Sau 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác thương mại toàn diện, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng trong 15 năm Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, khi gặt hái được nhiều thành quả hợp tác quan trọng.

Giai đoạn 1991 - 2000, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Trung Quốc (trừ năm 1998, Việt Nam nhập siêu 74,9 triệu USD, chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc). Tổng xuất siêu của Việt Nam vào Trung Quốc giai đoạn 1991 - 2000 là 502,8 triệu USD, chiếm 12% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc và 0,7% so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước giai đoạn này. Đây là thời kỳ tốc độ tăng trưởng xuất siêu bình quân của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc là khá cao (79,5%/năm).

Đầu tư, thương mại Việt Nam - Trung Quốc và những con số ấn tượng - Ảnh 1.

Năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 27,328 tỷ USD). Việt Nam trở thành bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN.

Năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ (Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc kể từ năm 2020 - theo thống kê của phía Trung Quốc, tăng 2 bậc so với năm 2019).

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%.

Đầu tư, thương mại Việt Nam - Trung Quốc và những con số ấn tượng - Ảnh 2.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng sắp tới sẽ có thêm mít. Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường.

"Đại bàng" Trung Quốc dồn dập vào Việt Nam

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam qua các năm.

Từ năm 2016, Trung Quốc liên tục lọt top 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Khi dịch Covid -19 diễn ra, vốn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD.

Đầu tư, thương mại Việt Nam - Trung Quốc và những con số ấn tượng - Ảnh 3.

8 tháng năm 2023, trong 100 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng vọt 90,8% so với cùng kỳ. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 20,7%).

Lũy kế đến 20/8, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25,8 tỷ USD.

Trên thực tế trong những năm gần đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng rót vốn vào nền kinh tế gần 100 triệu dân

Đơn cử như Tập đoàn HKC Overseas Limited (Trung Quốc) mới đây đã được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư đăng ký 10 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được triển khai tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Lộc Khang nhằm sản xuất màn hình, tivi…

Tập đoàn HKC Overseas Limited tiếp tục nối dài danh sách nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm gần đây.

Đặt chân vào Việt Nam cách đây 4 năm, Yadea – Tập đoàn phát triển và sản xuất xe hai bánh chạy điện của Trung Quốc mới đây đã quyết định đầu tư thêm dự án mới tại tỉnh Bắc Giang. Tổng vốn đăng ký 100 triệu đô la Mỹ, dự án sẽ được thực hiện trên diện tích hơn 23 ha, công suất dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm.

Bên cạnh đó, Yadea cũng sẽ tiếp tục mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp vệ tinh cùng liên kết để phát triển sản phẩm.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thì không ngừng dịch chuyển đầu tư ra các nước, trong đó Việt Nam cũng được hưởng lợi khi không ít nhà đầu tư FDI chọn là một trong những điểm đến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem