1/3 đội bóng Thủ đô phải rời sân Hàng Đẫy: "Cần tính toán lại giá thuê sân Mỹ Đình"

Song Minh Thứ sáu, ngày 15/03/2024 09:10 AM (GMT+7)
Bình luận viên Ngô Quang Tùng và Trương Anh Ngọc cùng cho rằng cần tính toán lại giá thuê sân Mỹ Đình để 1/3 đội bóng Thủ đô là Hà Nội FC, CLB CAHN, Thể Công Viettel có thể chọn Mỹ Đình là sân nhà khi thi đấu V.League.
Bình luận 0

"Cả 3 đội bóng đều xứng đáng ở lại sân Hàng Đẫy"

Vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua liên quan tới việc 1 trong 3 đội bóng Thủ đô là Hà Nội FC, CLB CAHN, Thể Công Viettel sẽ không được chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà khi thi đấu V.League.

Theo quy định mới trong điều lệ thi đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) được áp dụng từ tháng 10/2023, 1 sân vận động chỉ được sử dụng cho tối đa 2 CLB.

Trước mùa giải 2023, sân Hàng Đẫy chỉ được đăng ký làm sân nhà của 2 đội bóng là Hà Nội FC và Thể Công Viettel.

1/3 đội bóng Thủ đô phải rời sân Hàng Đẫy: "Cần tính toán lại giá thuê sân Mỹ Đình"- Ảnh 1.

CLB CAHN và Thể Công Viettel đều chọn sân Hàng Đẫy là sân nhà. Ảnh: VPF

Nhưng khi CLB CAND thăng hạng lên V.League 2023 và đổi tên thành CLB CAHN, họ đã không tiếp tục chọn sân Ninh Bình làm sân nhà mà chọn sân Hàng Đẫy. Thời điểm đó, việc này chưa vi phạm điều lệ mới của AFC.

Nhưng lúc này, AFC đã thông báo với VFF để đơn vị này phối hợp cùng VPF và các CLB tìm ra giải pháp, không để 3 CLB thi đấu trên cùng một sân. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng mặt sân, cách xếp lịch thi đấu của ban tổ chức giải...

Nếu không kịp thời có phương án, AFC sẽ cắt suất tham dự các giải châu Á cấp CLB của bóng đá Việt Nam và xem xét phân bổ suất này cho các liên đoàn thành viên khác từ mùa giải 2024/2025.

Để tìm hướng tháo gỡ, hôm 11/13 vừa qua, VFF, VPF đã họp với 3 CLB kể trên. Và không có gì bất ngờ khi Hà Nội FC, CLB CAHN, Thể Công Viettel đều giữ vững quan điểm muốn tiếp tục thi đấu trên sân Hàng Đẫy.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Dương Nghiệp Khôi - Tổng thư ký VFF cho biết" "Hiện tại, UBND TP.Hà Nội chưa có giải pháp, Sở VHTT Hà Nội cũng chưa có ý kiến.

VFF đang làm việc theo tiêu chí của AFC, chỉ tối đa 2 đội được thi đấu trên một sân tại giải vô địch quốc gia. Chúng tôi đang xin phép AFC gia hạn để có thời gian cho 3 đội bóng chuẩn bị".

1/3 đội bóng Thủ đô phải rời sân Hàng Đẫy: "Cần tính toán lại giá thuê sân Mỹ Đình"- Ảnh 3.

CLB Hà Nội chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà trong suốt chiều dài lịch sử 18 năm. Ảnh: VPF

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt sáng nay (14/3), bình luận viên (BLV) Ngô Quang Tùng bày tỏ quan điểm:

"Tôi không bàn về chuyện CLB nào trong số 3 đội bóng kể trên phải rời đi. Về mặt quyền lợi, Hà Nội FC, Thể Công Viettel, CLB CAHN đều xứng đáng được chơi trên sân Hàng Đẫy - một SVĐ gắn liền với lịch sử bóng đá Thủ đô nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Họ đều là những đội bóng có truyền thống, có thành tích, cùng nhau tạo nên vị thế của bóng đá Thủ đô.

Nhưng bóng đá Việt Nam cũng phải tuân thủ các tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp mà AFC đặt ra mà mới nhất là việc 3 CLB không được thi đấu trên cùng một sân.

Việc này cần có sự nhìn nhận, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội, Cục TDTT".

BLV Ngô Quang Tùng đặt vấn đề về mật độ thi đấu trên sân Mỹ Đình khá thưa thớt. Điều khiến các CLB không mặn mà thuê sân Mỹ Đình vốn đạt tiêu chuẩn quốc tế để thi đấu V.League là do giá thuê quá đắt (Mỗi trận đấu quốc tế của ĐT Việt Nam, VFF và Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình đều ký hợp đồng thuê sân với giá lên tới 800 triệu đồng. Các đội bóng nếu tổ chức V.League dự kiến phải trả số tiền thấp hơn (theo tìm hiểu là khoảng 300 triệu đồng - PV) nhưng với số trận đấu lên tới ít nhất 14 trận (13 trận V.League + tối thiểu 1 trận tại Cúp QG) thì số tiền phải chi cũng lớn, ảnh hưởng tới ngân quỹ CLB - PV).

"Sân Mỹ Đình nếu không được khai thác thường xuyên cũng sẽ dẫn tới xuống cấp. Việc quan trọng là giữa Khu LHTTQG Mỹ Đình và các đội bóng cần tìm ra một "đơn giá" hợp lý, hài hòa lợi ích cho các bên để mọi thứ được vận hành trơn tru. Phía Mỹ Đình thì có kinh phí vận hành bộ máy, duy tu bảo dưỡng các hạng mục ở sân. Còn đội bóng cũng có một sân đạt tiêu chuẩn để thi đấu theo đúng tiêu chí của AFC.

Để làm được điều này, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực, tạo cơ chế từ Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Sở VHTT Hà Nội.

Trong trường hợp các đội bóng không tiếp cận được sân Mỹ Đình thì sân Hà Đông cũng là một phương án. Nhưng khi đó, các vấn đề về hạng mục cơ sở vật chất của sân Hà Đông ra sao, có đảm bảo không thì cũng lại được đặt ra", BLV Quang Tùng nói.

Theo BLV Quang Tùng, thuê sân, nâng cấp một sân vận động nào đó trên địa bàn Thủ đô cũng là vấn đề ngắn hạn. Về lâu dài, các CLB V.League cần có sân riêng của mình.

"Xoay vòng sân Mỹ Đình và Hàng Đẫy"

Dưới góc nhìn của mình, BLV Trương Anh Ngọc cũng chia sẻ với ý kiến của BLV Quang Tùng: "Đây là một câu chuyện rất phức tạp. Tôi đã kiểm tra lại thông tin của các giải vô địch quốc gia trên thế giới thì không thấy có trường hợp nào như ở Việt Nam, nghĩa là 3 đội chung 1 sân nhà.

Vậy thì 1 trong 3 đội bóng, đội nào sẽ phải rời sân Hàng Đẫy? Điều này phải căn cứ theo tiêu chí gì? Nếu xét về lịch sử, người hâm mộ hay nhớ tới trận derby giữa Thể Công - CAHN. Nhưng trong cả một quá trình dài hai đội bóng này bị xóa tên, thì chính Hà Nội FC mới là đội "giữ lửa" cho sân Hàng Đẫy.

Tôi nghĩ nếu cứ tranh luận xem đội nào phải rời sân Hàng Đẫy thì đó sẽ là cuộc tranh luận không có hồi kết.

Chỉ chắc chắn một điều là với bóng đá chuyên nghiệp, phải xác định chỉ có tối đa 2 đội chung sân nhà như tiêu chí của AFC. 1 sân nhà có 3 đội sẽ ảnh hưởng tới lịch thi đấu, mật độ thi đấu, điều kiện mặt sân, cơ sở vật chất nói chung...".

1/3 đội bóng Thủ đô phải rời sân Hàng Đẫy: "Cần tính toán lại giá thuê sân Mỹ Đình"- Ảnh 4.

BLV Anh Ngọc cho rằng cần phải tận dụng cơ sở vật chất của Mỹ Đình, 3 đội Hà Nội FC, Thể Công Viettel, CLB CAHN chung 2 sân nhà tại V.League. Ảnh: Cao Oanh

Từ phân tích của mình, BLV Anh Ngọc cho rằng ngoài sân Hàng Đẫy thì lúc này chỉ có sân Mỹ Đình là đáp ứng các tiêu chuẩn thi đấu V.League và quốc tế (AFC Cup, AFC Champions League).

"Ở Hà Nội còn sân Hà Đông và sân Thanh Trì nhưng theo tôi 2 sân đó đều không thể đá V.League. Để đưa vào phục vụ V.League thì cũng cần rất nhiều chi phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, rồi còn cả những vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn.... Kinh phí đó thì ai chi trả?

Chúng ta phải tận dụng những gì đang có chứ và đó chính là sân Mỹ Đình. Khu LHTTQG Mỹ Đình lúc này là đơn vị sự nghiệp, tự chủ tài chính 100%. Giá cho thuê sân đương nhiên phải cao bởi phía Mỹ Đình cũng phải tính toán mọi chi phí (thuế giá trị gia tăng, thuế đất, thuế kho tài sản, chi phí điện nước... - PV) để ít nhất đạt tới điểm "hoà vốn".

Bây giờ bảo một đội chấp nhận bỏ chi phí gấp đôi thuê sân Mỹ Đình, thay vì chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà (giá thuê sân từ 70 đến 100 triệu đồng/trận) cũng rất khó. Theo tôi, chỉ có một giải pháp là quay vòng sân Hàng Đẫy và sân Mỹ Đình.

Ví dụ Hà Nội FC vòng đấu này chọn sân Hàng Đẫy làm sân nhà thì vòng sau thuê Mỹ Đình làm sân nhà. Tương tự là các trường hợp của Thể Công Viettel, CLB CAHN.

Ở đây lại nảy sinh vấn đề là 1 đội bóng có 2 sân nhà, như vậy thì liệu AFC có chấp nhận không? Tôi nghĩ VFF sẽ phải thuyết phục được AFC chấp nhận trong ngắn hạn bởi điều kiện cơ sở vật chất của bóng đá Việt Nam lúc này còn nhiều khó khăn".

Bên cạnh giải pháp 3 đội chung 2 sân nhà kể trên, BLV Anh Ngọc cho rằng các đội bóng cần cố gắng cải thiện khả năng chuyên môn, đá hay, đá đẹp, thu hút thêm khán giả tới sân để tăng doanh thu bán vé, bán đồ lưu niệm... để bù lại chi phí bỏ ra khi thuê sân Mỹ Đình với giá cao gấp đôi sân Hàng Đẫy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem